HIẾN PHÁP CỦA HỘI THÁNH
Năm 202X
ĐẠO TỪ CỦA ĐỨC NGÀI:
Mục đích hình thành Hội Thánh là để dẫn đường nhơn sanh qui hồi Thiên Đạo, lập đời Thánh Đức Tân Dân. Hội Thánh là Thể Nguyên của Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả. Hội Thánh phải được xây dựng, gìn giữ và phát huy đúng với tinh thần đại đồng, công bình, liêm chính, bác ái, vị tha, bi từ, hỉ xả, hiếu sinh, hảo hoà. Mỗi cá thể giáo chúng, là một phần của Thể Nguyên Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả, đến với nhau dưới mái nhà Hội Thánh phải dung nạp, tương kính, yêu thương, nhẫn nhịn, quan tâm, tương trợ, thành thật, trung tín, và tự chủ. Cá thể và Hội Thánh phải thắp sáng ngọn đuốc CHÂN MINH TỪ để soi đường cho quần sanh. Thông qua Hội Thánh, những giá trị tốt lành phải được rộng truyền để chuyển hóa thế giới ác trược, mang đến THÁI HÒA cho mọi xã hội từ Đông sang Tây. Ngày nào Hội Thánh Hữu Hình còn gìn giữ được những mẫu mực tốt đẹp thì ngày đó vẫn còn tiếp tục nhận được sự ấn chứng của Hội Thánh Vô Vi, nghĩa là vẫn còn một Hội Thánh trọn vẹn, một Hội Thánh đẹp Đạo đẹp Đời. Ngày nào mà Hội Thánh Hữu Hình không còn khả năng hiệp thông với Hội Thánh Vô Vi nữa thì ngày đó Hội Thánh coi như đã đánh mất linh hồn và sự tồn tại của Hội Thánh không còn lợi lạc cho bá tánh chúng sanh. Xin toàn thể giáo chúng của Hội Thánh hãy biết trân trọng những lời khuyến cáo hôm nay của Từ Đạo, đặc biệt là những vị chức sắc thọ phong trong tập thể lãnh đạo của Hội Thánh. Hãy tận tâm lực gìn giữ để cho Thể Nguyên của Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả được tồn tại lâu dài và tiếp tục tạo ân phước cho chúng sanh.
Ngoài ra Từ Đạo cũng có MƯỜI ĐIỀU KHUYÊN RĂN xin gởi đến tất cả mọi người. Hy vọng là mỗi người sẽ luôn ghi nhớ và cố gắng sống đúng với mẫu mực này:
- Mọi mạng sống đều đáng quý. Không được giết hại!
- Mọi chiếm đoạt đều bất thiện. Chớ có làm thế!
- Mọi bám víu sẽ dẫn tới bất an và đau buồn. Buông xuống!
- Mọi ham muốn sẽ dẫn tới khổ lụy. Cần tiết chế!
- Mọi vị kỷ đều sẽ dẫn tới thương tổn. Phải đoạn trừ!
- Mọi oán hận sẽ thiêu rụi chính mình và người khác. Dứt khoát dập tắt ngay!
- Mọi suy nghĩ và lời nói đều tạo tác động xấu tốt tới chính bản thân mình và người khác. Phải thận trọng!
- Mọi hướng ngoại sẽ dẫn tới động loạn. Quay vào tâm nội!
- Sợ hãi và tham dục là bản năng gốc phát sinh tất cả ác pháp và hệ lụy. PHÁP ẤN VÔ VI có khả năng đối trị. Hãy thể nghiệm sự tự do tuyệt đối!
- Thượng Đế luôn hiện hữu trong ta, luôn ở cùng ta. Hãy tu như vậy! Hãy chứng như vậy!
Hoàng Di Thiên,
Ngày___Tháng____Năm____ tại bang California, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
A. TRIẾT LÝ & NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC:
1. Hội Thánh Vô Vi (Cao Đại Thiên Đài đại diện) lập ngôi Càn Dương.
2. Hội Thánh Hữu Hình (Điện Thể Nguyên đại diện) lập ngôi Khôn Âm.
3. Âm Dương tương tác là Đạo Lý muôn thuở, là động lực vận hành của Thiên Đạo.
4. Sự hiệp thông giữa Hội Thánh Hữu Hình với Hội Thánh Vô Vi, thông qua Hiệp Thiên Đài, sẽ làm nên một Hội Thánh trọn vẹn. Có được sự hiệp thông giữa Hội Thánh Vô Vi [Càn Dương xuống tới dưới] và Hội Thánh Hữu Hình [Khôn Âm lên tận trên] cũng chính là có được quẻ Địa Thiên Thái.
4b. Đức Thể Nguyên đại diện cho Hội Thánh Hữu Hình lẫn Hội Thánh Vô Vi. Vì thế, Đức Ngài là Đại Diện Tối Cao của Hội Thánh và nơi Đức Ngài cũng chính là đại diện cho sự hiệp thông để làm nên một Hội Thánh trọn vẹn, là quẻ Địa Thiên Thái xuất ở Ngôi Người.
5. Hiệp Thế Đài, Hiệp Pháp Đài và Hiệp Thiên Đài hình thành thế ba quyền phân lập sẽ bảo đảm sự ổn định và tính cách khoa học trong sự tổ chức và vận hành Hội Thánh.
6. Hội Đồng Các Chánh Giáo là hội đồng cố vấn tối cao của Điện Thể Nguyên. Hội Đồng Các Chánh Giáo cũng đồng thời đại diện cho tiếng nói của các Chi Đạo và các Dòng Đạo trực thuộc Hội Thánh.
7. Tương tác giữa Hội Đồng Các Chánh Giáo với Điện Thể Nguyên sẽ bảo đảm sự hiệp thông hai chiều giữa Trung Ương với các Chi Đạo và Dòng Đạo trực thuộc Giáo Hội.
8. Hội Thánh sẽ sắc phong một số nhân sự để đáp ứng nhu cầu tổ chức và vận hành Hội Thánh. Sắc phong được phân định thành hai hệ: Giáo Phẩm và Đạo Phẩm. Giáo Phẩm là cấp bậc được Hội Thánh sắc phong để gánh công việc của Hội Thánh và chịu trách nhiệm trước Hội Thánh. Vì thế Giáo Phẩm còn được gọi là Chức Sắc, tức chức trách được sắc phong. Còn Đạo Phẩm là cấp bậc được Hội Thánh tuyên dương tương xứng với nỗ lực vun bồi Tam Công của từng người trên con đường tu học nhằm khuyến khích các tông đệ của Hội Thánh cố gắng hơn. Vì thế, Đạo Phẩm không nên đánh đồng với sự thừa nhận chứng đắc hoặc là thừa nhận quả vị vô vi.
B. CẤU TRÚC CỦA HỘI THÁNH:
9. Hội Thánh là tiếng gọi chung cho Hội Thánh Vô Vi và Hội Thánh Hữu Hình.
10. Cao Đại Thiên Đài đại diện cho quyền lực tối cao của Hội Thánh Vô Vi. Là cơ quan của các đấng Thiêng Liêng trong vô hình vận hành Huyền Không Đại Đạo. Là nơi mà Huyền Thiên Khung Cao Thượng Đế, Diêu Trì Kim Mẫu, Tam Giáo Thánh Tòa ban bố ý chỉ, giáo lý và mật pháp.
11. Điện Thể Nguyên đại diện cho quyền lực tối cao của Hội Thánh Hữu Hình, bao gồm tất cả các Chi Đạo và các Dòng Đạo trực thuộc Hội Thánh. Thêm vào đó Điện Thể Nguyên còn có Lực Lượng Thiên Hộ đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Hội Thánh, cả hai mặt hữu hình lẫn vô hình, và nhiệm vụ triển khai huyền pháp vô vi của Hội Thánh. Hội Thánh Hữu Hình là Thể Nguyên Của Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả dưới thế.
12. Hiệp Thiên Đài là cơ quan đại diện cho Quyền Hiệp Thiên của Hội Thánh. Hiệp Thiên Đài là nơi Hội Thánh Hữu Hình hiệp thông với Hội Thánh Vô Vi.
12.1. Tuy số lượng nhân sự của Hiệp Thiên Đài không nhiều so với những cơ quan khác của Hội Thánh, nhưng với nhiệm vụ Hiệp Thông với Thiêng Liêng để tiếp nhận tất cả thông điệp từ Huyền Không Thiên Thượng rồi chuyển trao đến các cơ quan khác, Hiệp Thiên Đài nắm giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển Hội Thánh và trao truyền chánh pháp. Do đó nhân sự “phụng sự nhiệm vụ hiệp thông” (làm việc với các đấng thiêng liêng) phải được tuyển chọn, đào tạo, kiểm định và được bảo vệ, với những tiêu chuẩn cao nhất. Nói một cách khác, (a) họ phải là những tinh hoa có khả năng cao; (b) họ phải được Thiêng Liêng chọn; (c) họ phải sống trong khuôn khổ tịnh hạnh; và (d) họ phải được cách ly khỏi ảnh hưởng của những cơ quan khác để không bị lũng đoạn hoặc bị nhiễu động.
12.2. Để bảo vệ sự hợp nhất và hài hòa của Hội Thánh, sẽ không có một Chi Đạo hay Dòng Đạo trực thuộc nào được phép thành lập "cơ quan hiệp thiên" dưới mọi hình thức hay tên gọi khác. Nói một cách khác, duy nhất chỉ có Hiệp Thiên Đài của Hội Thánh là có cơ quan hiệp thiên (bộ phận phụng sự nhiệm vụ hiệp thông với Thiêng Liêng).
13. Hiệp Thế Đài là cơ quan đại diện cho Quyền Hiệp Thế của Hội Thánh. Hiệp Thế Đài chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành và hoàn thiện cơ chế hành chánh, cơ chế truyền giáo, cơ chế tài chính, cơ chế kiến thiết và những cơ chế căn bản khác của Hội Thánh. Hiệp Thế Đài là một cơ quan có số lượng nhân sự và tài nguyên hùng hậu nhất so với các cơ quan khác của Hội Thánh cho nên sẽ có tầm ảnh hưởng rộng nhất đối với thế trần. Vì thế, Hiệp Thế Đài có trách nhiệm lớn nhất trong việc phát triển thể hình của Hội Thánh.
14. Hiệp Pháp Đài là cơ quan đại diện cho Quyền Hiệp Pháp của Hội Thánh. Hiệp Pháp Đài chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành và hoàn thiện cơ chế Giáo Luật, cơ chế Thế Luật, cơ chế Thiên Luật, và cơ chế Giám Sát Chấp Hành Luật của Hội Thánh. Hiệp Pháp Đài có trách nhiệm lớn nhất trong việc bảo vệ chánh pháp và uy tín của Hội Thánh.
15. Hội Đồng Các Chánh Giáo là một tập thể của tất cả các vị Chánh Giáo của các Chi Đạo và các Dòng Đạo trực thuộc Hội Thánh. Đây là hội đồng cố vấn tối cao của Điện Thể Nguyên đồng thời cũng là hội đồng đại diện cho tiếng nói của các Chi Đạo, Dòng Đạo trực thuộc Hội Thánh. Vai trò của Hội Đồng Các Chánh Giáo rất quan trọng trong việc hiệp thông giữa Trung Ương với các Chi Đạo, Dòng Đạo trực thuộc và như thế sẽ bảo đảm được sự đoàn kết trên dưới. Làm tốt vai trò này thì tiếng nói của giáo chúng từ các Chi Đạo, Dòng Đạo trực thuộc Hội Thánh sẽ lên tới Trung Ương và những yêu cầu từ Trung Ương sẽ xuống tới giáo chúng.
16. Các Dòng Đạo & Các Chi Đạo là thành phần chính yếu của Hội Thánh. Không có các Dòng Đạo và các Chi Đạo sẽ không có lý do để thành lập các Đài, Điện để vận hành Hội Thánh. Hướng dẫn và hỗ trợ các Dòng Đạo và các Chi Đạo là nhiệm vụ chính của Trung Ương. Do đó, các Dòng Đạo và các Chi Đạo không cần phải tổ chức cơ chế riêng để rồi tạo ra sự chồng chéo, tốn kém, mất đi tính cách thống nhứt và đoàn kết của Hội Thánh. Thay vào đó, các Dòng Đạo và các Chi Đạo cần tập trung vào việc phát huy tam công (công phu, công quả, công trình) của tông đệ và lo mở rộng công tác hoằng hóa độ tha.
Sự khác nhau giữa các Chi Đạo với các Dòng Đạo là ở chỗ tầm vóc và truyền thống đã thành hình từ lâu. Các Chi Đạo xuất phát từ các tôn giáo lâu đời, thí dụ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Tin Lành.... Còn Dòng Đạo là một tập thể với số lượng tương đối nhỏ, dưới sự hướng dẫn của một vị Giáo Chủ và không nằm trong bất cứ Giáo Phái nào. Một Dòng Đạo có thể sẽ gia nhập vào một Chi Đạo nào đó nếu có sự đồng ý của cả hai bên.
Vì Hội Thánh được tổ chức dưới dạng "liên minh" và với tính cách đa dạng của các Chi Đạo và các Dòng Đạo, từ đạo phục cho tới cách thờ phượng và phân định đạo phẩm, cho nên Trung Ương sẽ uyển chuyển để cho mỗi Chi Đạo được tự quyền quyết định "giữ theo truyền thống, chiếu theo nhu cầu và bản sắc của Chi Đạo mình," hay là "đổi mới, rập khuôn theo đề xuất của Giáo Hội," miễn là những yếu tố quan trọng và đặc trưng của Giáo Hội, là "nền móng chung để bảo đảm sự vững chắc và lớn mạnh về sau," không bị xâm hại. Còn các Dòng Đạo thì phải tuân theo đề xuất của Giáo Hội, lý do là vì các Dòng Đạo chưa từng được tổ chức hay đã có truyền thống lâu đời.
C. NHÂN SỰ CỦA HỘI THÁNH:
17. Đức Chưởng Quản Hiệp Thế Đài là người lãnh đạo tối cao của Hiệp Thế Đài. Dưới Đức Chưởng Quản Hiệp Thế Đài có nhiều vị Hiệp Thế Quân đặc trách:
17.1. Hành Chánh Hiệp Thế Quân: đặc trách bộ phận hành chánh của Hội Thánh.
17.2. Kinh Chánh Hiệp Thế Quân: đặc trách bộ phận kinh tế tài chánh của Hội Thánh.
17.3. Công Chánh Hiệp Thế Quân: đặc trách bộ phận kiến thiết của Hội Thánh.
17.4. IT Hiệp Thế Quân: đặc trách bộ phận IT của Hội Thánh.
17.5. Truyền Thông Hiệp Thế Quân: đặc trách bộ phận truyền thông của Hội Thánh.
17.6. Giáo Xứ Hiệp Thế Quân: đặc trách mở rộng và trông coi các giáo xứ.
17.7. Phổ Nguyện Hiệp Thế Quân: đặc trách những hoạt động cầu nguyện.
17.8. Phổ Tế Hiệp Thế Quân: đặc trách những hoạt động cứu tế, môi sinh, bệnh tật.
Danh sách các Thế Quân có thể còn dài hơn, tùy theo nhu cầu thiết thực. Phụ tá cho mỗi Hiệp Thế Quân có các Hiệp Thế Tiếp Quân.
Hiệp Thế Đài còn có hai vị Chưởng Quản Hiệp Thế Quân, Đệ Nhất Chưởng Quản Hiệp Thế Quân và Đệ Nhị Chưởng Quản Hiệp Thế Quân, phụ tá cho Đức Chưởng Quản Hiệp Thế Đài. Trong trường hợp Đức Chưởng Quản Hiệp Thế Đài vắng mặt, đệ nhất Chưởng Quản Hiệp Thế Quân sẽ tạm thời thay mặt.
18. Đức Chưởng Quản Hiệp Pháp Đài là người lãnh đạo tối cao của Hiệp Pháp Đài. Dưới Đức Chưởng Quản Hiệp Pháp Đài có nhiều vị Hiệp Pháp Quân:
18.1. Giáo Truyền Hiệp Pháp Quân: đặc trách bảo thủ "pháp bảo giáo truyền" của Hội Thánh bao gồm giáo lý, kinh điển, bí pháp, thiên thơ để không lệch chơn truyền về sau.
18.2. Giáo Luật Hiệp Pháp Quân: đặc trách giáo luật của Hội Thánh.
18.3. Thế Luật Hiệp Pháp Quân: đặc trách thế luật của Hội Thánh.
18.4. Thiên Luật Hiệp Pháp Quân: đặc trách thiên luật của Hội Thánh.
18.5. Chấp Luật Hiệp Pháp Quân: đặc trách chấp hành luật của Hội Thánh.
18.6. Giám Luật Hiệp Pháp Quân: đặc trách giám sát việc chấp luật của Hội Thánh.
Danh sách các Pháp Quân có thể còn dài hơn, tùy theo nhu cầu thiết thực. Phụ tá cho mỗi Hiệp Thế Quân có các Hiệp Pháp Tiếp Quân.
Hiệp Pháp Đài có hai vị Chưởng Quản Hiệp Pháp Quân, Đệ Nhất Chưởng Quản Hiệp Pháp Quân và Đệ Nhị Chưởng Quản Hiệp Pháp Quân, phụ tá cho Đức Chưởng Quản Hiệp Pháp Đài. Trong trường hợp Đức Chưởng Quản Hiệp Pháp Đài vắng mặt, đệ nhất Chưởng Quản Hiệp Pháp Quân sẽ tạm thời thay mặt.
19. Đức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài là người lãnh đạo tối cao của Hiệp Thiên Đài. Dưới Đức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài có nhiều vị Hiệp Thiên Quân đặc trách, gồm:
19.1. Giáo Đàn Hiệp Thiên Quân: đặc trách phận sự hiệp thiên của Hội Thánh.
19.2. Giáo Lễ Hiệp Thiên Quân: đặc trách nghi lễ của Hội Thánh.
19.3. Giáo Huấn Hiệp Thiên Quân: đặc trách chương trình đào tạo các giảng sư giáo lý.
19.4. Giáo Sử Hiệp Thiên Quân: đặc trách phận sự viết và lưu sử liệu của Hội Thánh.
19.5. Giáo Phổ Hiệp Thiên Quân: đặc trách mở các giáo trường hổ trợ các giáo xứ.
Danh sách các Hiệp Thiên Quân có thể còn dài hơn, tùy theo nhu cầu thiết thực. Phụ tá cho mỗi Hiệp Thế Quân có các Hiệp Thiên Tiếp Quân.
Hiệp Thiên Đài có hai vị Chưởng Quản Hiệp Thiên Quân, Đệ Nhất Chưởng Quản Hiệp Thiên Quân và Đệ Nhị Chưởng Quản Hiệp Thiên Quân, phụ tá cho Đức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Trong trường hợp Đức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài vắng mặt, đệ nhất Chưởng Quản Hiệp Thiên Quân sẽ tạm thời thay mặt.
20. Đức Thể Nguyên là vị lãnh đạo tối cao của Điện Thể Nguyên tức là vị lãnh đạo tối cao của Hội Thánh, với sự cố vấn của Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo đại diện cho các Dòng Đạo, Chi Đạo trực thuộc. Phụ tá Đức Thể Nguyên có hai vị Thể Nguyên Quân, Đệ Nhất Thể Nguyên Quân và Đệ Nhị Thể Nguyên Quân. Trong trường hợp Đức Thể Nguyên vắng mặt, Đệ Nhứt Thể Nguyên Quân sẽ tạm thời thay mặt. Trực thuộc Đức Thể Nguyên còn có Đức Chưởng Quản Thiên Hộ chịu trách nhiệm:
20.1. chưởng quản lực lượng Thiên Hộ, bao gồm cả các vị Thiên Long Hộ Quân và Thiên Hoa Hộ Quân của Hội Thánh;
20.2. tất cả các hoạt động điểm khí, triển khai huyền pháp vô vi do chính Đức Thể Nguyên ủy nhiệm hoặc y cứ theo Thiên Lịnh;
20.3. điều động các lực lượng vô vi để thực hiện các nhiệm vụ do chính Đức Thể Nguyên ủy nhiệm hoặc y cứ theo Thiên Lịnh;
20.4. bảo vệ Hội Thánh và bổn đạo.
Điều hành Viện Ngoại Vụ và Viện Nội Vụ của Điện Thể Nguyên có hai vị Thể Nguyên Quân:
20.5. Ngoại Chính Thể Nguyên Quân: đặc trách Viện Ngoại Vụ.
20.6. Nội Chính Thể Nguyên Quân: đặc trách Viện Nội Vụ.
21. Đức Chánh Giáo là vị lãnh đạo cao nhứt của một Chi Đạo trực thuộc Hội Thánh. Dưới Đức Chánh Giáo có hai vị Chánh Giáo Quân đặc trách, gồm:
21.1. Ngoại Vụ Chánh Giáo Quân: đặc trách nhiệm vụ đối ngoại.
21.2. Nội Vụ Chánh Giáo Quân: đặc trách nhiệm vụ đối nội.
Tương tợ, Chánh Giáo Dòng là vị lãnh đạo cao nhứt của một Dòng Đạo. Dưới Chánh Giáo Dòng không có hai vị phụ tá Nội Vụ và Ngoại Vụ, trừ khi là Dòng Đạo thật lớn.
D. GIÁO PHẨM VÀ ĐẠO PHẨM CỦA HỘI THÁNH:
22. Giáo Phẩm không phải là Đạo Phẩm. Giáo Phẩm (Chức Sắc) của Hội Thánh là để "gánh nhiệm vụ" trong công tác vận hành Hội Thánh ở cấp Trung Ương. Vì thế cần phải có "khả năng" và "thiện chí" để cống hiến "theo nhu cầu" của Hội Thánh. Giáo Phẩm có thể là được Thiên Phong và cũng có thể là do Nhơn Phong, nói chung là được sắc phong. Và vì là "theo nhu cầu" cho nên Giáo Phẩm có thể được thay đổi theo nhu cầu. Một cá nhân được bổ nhiệm (sắc phong) vào một vị trí, được gọi là một vị Giáo Phẩm của Hội Thánh, có thể sẽ phải phục vụ ở một vị trí đó suốt đời và cũng có thể sẽ chỉ phục vụ trong một thời gian ngắn. Nói tóm lại tất cả sẽ tùy thuộc vào nhu cầu cũng như tùy thuộc vào khả năng và thiện chí của từng vị Giáo Phẩm.
23. Đạo Phẩm không phải là Giáo Phẩm. Đạo Phẩm là cấp bậc được Hội Thánh sắc phong để khuyến khích các tông đệ nỗ lực vun bồi tam công. Công phu, công quả, công trình là nền tảng để đánh giá và công nhận thành quả tu học của một tông đệ. Thêm vào đó là "căn cơ" vốn đã có và đang có của người đó. Nói "vốn đã có" là nói thành quả của nhiều kiếp trong "quá khứ". Nói "vốn đang có" là nói sự nỗ lực của hiện tại. Và mọi sự đánh giá đều có tính cách tương đối. Đạo Phẩm chỉ là những "cột mốc" trên hành trình vun bồi tam công, để biết mình đã đi được bao xa trên hành trình đó. Nó mang tính cách tượng trưng và chỉ trong ngắn hạn. Người được Đạo Phẩm cao không nên chấp vào đó mà tự mãn, tự đắc. Người chưa được Đạo Phẩm cao thì cũng không vì đó mà sanh lòng đố kỵ hoặc mang mặc cảm thua kém.
24. Đạo Phẩm được phân định thành 9 cấp. Để được sắc phong một Đạo Phẩm, tông đệ phải hội đủ điều kiện của Đạo Phẩm đó. Từ cao xuống thấp, tương ứng với Liên Hoa Cửu Phẩm, được qui định như sau:
24.1. Cấp 9: Trường chay trên 12 năm + thực hành Phần I & II của Huyền Không Đại Pháp trên 12 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 12 năm + hoằng dương giáo pháp trên 12 năm.
24.2. Cấp 8: Trường chay trên 9 năm + thực hành Phần I & II của Huyền Không Đại Pháp trên 9 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 9 năm + hoằng dương giáo pháp trên 9 năm.
24.3. Cấp 7: Trường chay trên 7 năm + thực hành Phần I & II của Huyền Không Đại Pháp trên 7 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 7 năm + hoằng dương giáo pháp trên 7 năm.
24.4. Cấp 6: Trường chay trên 5 năm + thực hành Phần I & II của Huyền Không Đại Pháp trên 5 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 5 năm.
24.5. Cấp 5: Trường chay trên 3 năm + thực hành Phần I & II của Huyền Không Đại Pháp trên 3 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 3 năm.
24.6. Cấp 4: Trường chay trên 1 năm + thực hành Phần I & II của Huyền Không Đại Pháp trên 1 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 1 năm.
24.7. Cấp 3: Mười ngày chay kỳ trên 5 năm + thực hành Phần I của Huyền Không Đại Pháp trên 5 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 5 năm.
24.8. Cấp 2: Mười ngày chay kỳ trên 3 năm + thực hành Phần I một của Huyền Không Đại Pháp trên 3 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 3 năm.
24.9. Cấp 1: Mười ngày chay kỳ trên 1 năm + thực hành Phần I của Huyền Không Đại Pháp trên 1 năm + lập tam công trong Hội Thánh trên 1 năm.
25. Tam Công là Công Phu, Công Quả, Công Trình.
25.1. Lo vun bồi Công Phu là lo Lập Hạnh, Dưỡng Mạng, Đạt Huệ. Lập Hạnh là trau sửa bản thân cho thật hoàn hảo đúng với tánh cách của một người tu. Trì giới, tinh tấn, kham nhẫn là những thí dụ. Dưỡng Mạng và Đạt Huệ là tịnh dưỡng bản thể cho tới chỗ minh linh và thấu đáo huyền vi. Cứu cánh rốt ráo của Công Phu là "giải thoát". Huyền Không Đại Pháp là một cách thực hành Tịnh Dưỡng Thân Tâm hay nói cách khác là một bửu pháp Huệ Mạng Song Tu. "TÂM có định rồi THÂN mới an, TÂM còn điên đảo ắc nguy nàn, CÔNG PHU là để TÂM an định, nên ĐẠO [QUẢ] nên NGƯỜI [bậc Chơn Nhơn] chốn thế gian" (Đông Phương Lão Tổ, 1981).
25.2. Lo vun bồi Công Quả là lo Lập Đức, đấp nền vững chắc cho đường tu. Vun bồi công quả không ngoài hai chữ TỪ TÂM. "Có [tình] thương [người] con mới dầy công quả, công quả là [con] đường đến Ngọc Kinh". Làm Công Quả là giúp đời, làm thiện, tạo lành với con tim từ mẫn không ô nhiễm.
25.3. Lo vun bồi Công Trình là lo Lập Tài, dùng năng lực của mình để cống hiến cho Giáo Hội, cùng chung tay tạo dựng con Thuyền Giáo Hội cho thật lớn mạnh để chịu được sóng to gió lớn cuối Hạ Ngươn, cùng chèo con Thuyền Giáo Hội để đưa người qua Thượng Ngươn Thánh Đức.
E. BỔ NHIỆM NHÂN SỰ HỘI THÁNH:
26. Nhân sự được bổ nhiệm vào những trách vụ thượng tầng phải được cả Hội Thánh Hữu Hình lẫn Hội Thánh Vô Vi phê chuẩn. Nói một cách khác, tất cả các Giáo Phẩm Thượng Tầng của Hội Thánh phải được hiệp phong.
27. Tiến trình hiệp phong cho những trách vụ kể trên có thể là do Hội Thánh Vô Vi đề nghị trước rồi Hội Thánh Hữu Hình duyệt xét và phê chuẩn sau, hoặc ngược lại do Hội Thánh Hữu Hình duyệt xét và đề nghị trước rồi Hội Thánh Vô Vi phê chuẩn sau.
28. Dầu rằng đã được Hội Thánh Vô Vi đề nghị, và dầu rằng xác suất rất cao là Hội Thánh Hữu Hình cũng sẽ phê chuẩn đồng ý, lập trình duyệt xét lý lịch và cẩn thận đánh giá các dự tuyển trước khi phê chuẩn cũng sẽ phải được Hiệp Pháp Đài tiến hành đầy đủ. Lý do thứ nhất là để bảo đảm đề nghị của Hội Thánh Vô Vi đích thực là ý chỉ của Hội Thánh Vô Vi. Lý do thứ hai là để có sự đồng thuận và hiệp nhất giữa Hội Thánh Hữu Hình với Hội Thánh Vô Vi.
29. Nếu như Hội Thánh Hữu Hình không đồng ý với đề nghị bổ nhiệm của Hội Thánh Vô Vi, lập trình điều tra và giải quyết bất đồng giữa Hội Thánh Vô Vi và Hội Thánh Hữu Hình sẽ khởi động, do một Hội Đồng Điều Tra Độc Lập đảm trách.
30. Mục đích điều tra trước hết là để xác minh cơ quan Hiệp Thiên Đài đã phản ảnh trung thực ý chỉ của Hội Thánh Vô Vi. Thứ hai là để xác minh kết quả duyệt xét lý lịch và đánh giá dự tuyển của Hiệp Pháp Đài đã phản ảnh trung thực về đối tượng đang duyệt xét. Thứ ba là để xác minh lập trình duyệt xét lý lịch và đánh giá dự tuyển không có khiếm khuyết cần phải cải cách.
31. Hội Đồng Điều Tra Độc Lập sẽ do chính Đức Thể Nguyên chỉ định.
32. Giải quyết bất đồng tùy thuộc vào kết quả điều tra của Hội Đồng Điều Tra Độc Lập do Đức Thể Nguyên chỉ định.
32.1. Nếu Hiệp Thiên Đài đã không phản ảnh trung thực ý chỉ của Hội Thánh Vô Vi thì Đức Thể Nguyên sẽ ban hành văn bản chính thức vô hiệu hóa đề nghị bổ nhiệm của Hội Thánh Vô Vi.
32.2. Nếu kết quả duyệt xét lý lịch và đánh giá đối tượng của Hiệp Pháp Đài đã không phản ảnh trung thực về đối tượng thì Đức Thể Nguyên sẽ ban hành văn bản chính thức vô hiệu hóa kết quả duyệt xét lý lịch và đánh giá đối tượng dự tuyển của Hiệp Pháp Đài. Thêm vào đó Hiệp Pháp Đài có thể sẽ phải tự tiến hành kiểm định lại lập trình duyệt xét lý lịch và đánh giá đối tượng dự tuyển của Hiệp Pháp Đài để rồi làm cho hoàn chỉnh hơn.
32.3. Nhân tuyển được đề nghị bổ nhiệm sẽ không bị nghi vấn hoặc bị kiểm điểm, nếu xét thấy đối tượng dự tuyển hòan toàn không có những hành vi nhằm tác động tiêu cực đến công việc nội bộ hay làm lũng đoạn chức năng của Hiệp Thiên Đài hoặc Hiệp Pháp Đài.
32.4. Ngược lại, đối tượng dự tuyển được đề nghị bổ nhiệm cùng với tất cả các đối tượng liên hệ nếu có nhúng tay cố tình làm lũng đoạn kỷ cương của Hội Thánh thì tất cả sẽ bị kỷ luật đến mức độ cao nhất theo quyết định của Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo và Đức Thể Nguyên.
33. Dự tuyển vào vị trí Đức Thể Nguyên trước tiên phải xuất phát từ thành phần Giáo Phẩm Thượng Tầng của Giáo Hội Hữu Hình. Giáo Phẩm Thượng Tầng gồm các Đức Chưởng Quản của ba đài và các phụ tá, các Đức Chánh Giáo và các phụ tá, Đức Thể Nguyên và các phụ tá. Kế đó phải được sự công nhận của tất cả các vị Giáo Phẩm Thượng Tầng, và đặc biệt là được sự tiến cử của Đức Thể Nguyên cựu trào. Sau cùng là phải được sự công nhận của Hội Thánh Vô Vi với đầy đủ Tam Ấn. Nếu chưa được Hội Thánh Vô Vi công nhận hoặc không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của các vị Giáo Phẩm Thượng Tầng của Hội Thánh Hữu Hình nhưng đạt được 80% số phiếu bầu của các vị này thì dự tuyển đó vẫn có thể được tấn phong vào vị trí Quyền Thể Nguyên nếu như không có dự tuyển khác xứng đáng hơn. Tất cả Giáo Phẩm Thượng Tầng của Hội Thánh Hữu Hình phải có mặt trong ngày lễ tấn phong Đức Thể Nguyên hoặc Quyền Thể Nguyên để biểu thị sự chấp nhận và hỗ trợ của mình. Đức Thể Nguyên đầu tiên của Hội Thánh cũng phải thông qua tiến trình Hiệp Phong. Trong giai đoạn sơ khai của Hội Thánh tiến trình Hiệp Phong lần đầu tiên sẽ được phép giản hóa.
34. Tương tự, các Đức Chánh Giáo đầu tiên của Hội Thánh, các Đức Chưởng Quản của ba đài cùng tất cả các Giáo Phẩm thượng tầng đầu tiên của Hội Thánh cũng sẽ phải thông qua tiến trình Hiệp Phong nhưng được phép giản hóa theo ý chỉ của Đức Thể Nguyên đầu tiên, là người được Thiên Thượng tín nhiệm và trao quyền đại diện Thiên Thượng khai mở nền Đại Đạo.
F. GIẢI NHIỆM NHÂN SỰ HỘI THÁNH:
35. Giải nhiệm một vị Giáo Phẩm Hiệp Phong của Hội Thánh là một sự kiện lớn cần phải được tiến hành với tất cả thận trọng và kín đáo. Giải nhiệm có thể là vì tự nguyện hoặc là vì bị cáo buộc. Trong trường hợp bị cáo buộc, một cuộc điều tra của Hiệp Pháp Đài sẽ được khởi động và một Toà Án Đặc Biệt sẽ được triệu tập để xét xử một cách công bình và nghiêm minh.
36. Tuy chỉ là Tòa Án của Hội Thánh và chỉ xét xử trong nội bộ Hội Thánh, Tòa Án cũng vẫn phải phản ánh đầy đủ tính cách chuyên nghiệp. Các bên tham dự (luật sư tố tụng, luật sư kháng cáo, chánh án và bồi thẩm đoàn), phải thực hiện trách nhiệm của mình một cách chí công vô tư.
37. Kết quả phán quyết sẽ được trình lên Đức Thể Nguyên và Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo. Có giải nhiệm đối tượng bị xét xử hay không tùy thuộc vào kết quả phán quyết của Tòa Án.
37.1. Nếu phán quyết là “phạm lỗi trầm trọng” và đã đạt sự đồng thuận tuyệt đối của Bồi Thẩm Đoàn, sau khi hội ý với Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo, Đức Thể Nguyên sẽ phải giải nhiệm đối tượng và rút lại danh nghĩa Giáo Phẩm Hiệp Phong của Hội Thánh của đối tượng.
37.2. Nếu phán quyết là “phạm lỗi trầm trọng” nhưng không đạt sự đồng thuận tuyệt đối, sau khi hội ý với Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo, Đức Thể Nguyên cũng sẽ phải giải nhiệm đối tượng. Có rút lại danh nghĩa Giáo Phẩm Hiệp Phong của Hội Thánh của đối tượng hay không còn tùy thuộc vào quyết định của Đức Thể Nguyên và Các Đức Chánh Giáo.
37.3. Nếu phán quyết là “phạm lỗi không trầm trọng”, sau khi hội ý với Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo, Đức Thể Nguyên có thể sẽ chỉ cảnh cáo đối tượng.
38. Sau khi đã giải nhiệm đối tượng, và sau khi hội ý với Hội Đồng Các Đức Chánh Giáo, Đức Thể Nguyên có thể sẽ chỉ định một trách vụ khác cho đối tượng nếu xét thấy không phương hại đến uy tính của Hội Thánh.
G. LỄ TRIỀU THIÊN VÀ PHONG THÁNH:
39. Hội Thánh sẽ cử hành Lễ Triều Thiên cho các vị Giáo Phẩm và Đạo Phẩm của Hội Thánh theo nghi thức của Hội Thánh dành cho các vị Giáo Phẩm và Đạo Phẩm của Hội Thánh.
40. Hội Thánh sẽ cử hành Lễ Phong Thánh cho các vị Giáo Phẩm và Đạo Phẩm đắc quả vị, sau khi nhận được ấn chứng và được Giáo Hội xác nhận.
41. Lễ Phong Thánh là một sự kiện quan trọng cho nên phải được tiến hành với tất cả sự tôn nghiêm ở cấp độ cao nhất.
42. Lễ Phong Thánh sẽ diễn ra tại sảnh đường Cao Đại Thiên Đài với sự tham dự của (a) Đức Thể Nguyên cùng các Thể Nguyên Quân; (b) các Đức Chánh Giáo và các Chánh Giáo Quân; (c) Đức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài cùng các Chưởng Quản Hiệp Thiên Quân và Hiệp Thiên Quân; (d) Đức Chưởng Quản Hiệp Thế Đài cùng các Chưởng Quản Hiệp Thế Quân và Hiệp Thế Quân; (e) Đức Chưởng Quản Hiệp Pháp Đài cùng các Chưởng Quản Hiệp Pháp Quân và Hiệp Pháp Quân; cùng toàn thể giáo chúng của Hội Thánh trên toàn thế giới tham dự tại sảnh đường hoặc từ xa.
43. Hội Thánh sẽ lấy ngày triều thiên để làm ngày tưởng niệm và sẽ cử hành lễ tưởng niệm hàng năm cho các vị đắc phong quả vị, với sự tham dự của tất cả hàng Giáo Phẩm, hàng Đạo Phẩm và giáo chúng.
44. Hội Thánh cũng sẽ ban hành một bài kinh đọc tụng tán thán công đức dành cho mỗi vị đắc phong quả vị. Bài kinh đó sẽ nằm trong bộ Kinh Dâng Lễ của Hội Thánh và sẽ được đọc tụng trong ngày lễ tưởng niệm.
H. TƯƠNG QUAN & TƯƠNG TÁC GIỮA CÁC THÀNH PHẦN CỦA HỘI THÁNH:
45. Các Chi Đạo và các Dòng Đạo “liên thuyền” với nhau mới có được cái gọi là Hội Thánh Hữu Hình. Các Chi Đạo và các Dòng Đạo của Hội Thánh Hữu Hình làm nên hình hài của Giáo Hội. Các Chi Đạo và các Dòng Đạo của Hội Thánh chính là Thể Nguyên dưới thế của Thánh Chúa Huyền Thiên Khung Cao Cả. Một Chi Đạo hay một Dòng Đạo của Hội Thánh, dầu lớn hay nhỏ là toàn bộ Thể Nguyên chứ không phải là một phần Thể Nguyên của Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả. Một là tất cả và tất cả là một. Bất cứ một Chi Đạo hay một Dòng Đạo nào của Hội Thánh cũng phản ảnh và phải phản ảnh toàn bộ Hội Thánh. Có như vậy thì Hội Thánh mới đích thực là Thể Nguyên của Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả. Vì thế, tất cả mọi việc, mọi hoạt động, mọi quyết sách phải được đặt trên nền tảng của sự cảm thông, thương yêu, bình đẳng, tương kính, tương nhượng, đồng thuận.
46. Trên căn bản, một Chi Đạo hay một Dòng Đạo nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của một Chánh Giáo. Các Giáo Phẩm hay các Đạo Phẩm của một Chi Đạo hoặc một Dòng Đạo sẽ làm việc trực tiếp với Chánh Giáo của mình, tuy tất cả Giáo phẩm và Đạo phẩm đều do Trung Ương phong.
47. Tùy theo nhu cầu của công việc, sau khi đã được Chánh Giáo của mình phê chuẩn, các Giáo Phẩm và các Đạo Phẩm của các Chi Đạo và các Dòng Đạo có thể phải làm việc trực tiếp với các Giáo Phẩm và các Đạo Phẩm Trung Ương.
48. Nhận sắc phong của Hội Thánh là để gánh vác trách nhiệm phụng sự Đạo-Đời, không phải để vịnh vào đó thỏa mãn tham vọng cá kỷ dưới mọi hình thức. Hội Thánh là phương tiện để các vị Giáo Phẩm, các vị Đạo Phẩm, cùng tất cả giáo chúng có cơ hội bồi công lập đức theo khả năng và căn cơ của bản thân, không phải là nơi để tranh danh đoạt quyền. Hội Thánh là Ngôi Nhà Từ Bi để cho các Giáo Phẩm và các Đạo Phẩm học mặc áo Kham Nhẫn, học ngồi lên Đài Không, học thể hiện phẩm hạnh khiêm cung của một Nhơn Thánh. Tuyệt đối không phải là chỗ để mạo xưng Tiên Phật lạm nhận sự sùng bái của nhân gian. Nói tóm lại, Thể Nguyên của Thượng Đế Huyền Thiên Khung Cao Cả phải “Hội” và phải “Thánh”, phải thực hành đúng với ba chữ CHÂN, MINH, TỪ. Có như vậy thì Hội Thánh mới có thể dẫn đường cho giáo chúng xây dựng, gìn giữ và phát huy tinh thần đại đồng, công bình, liêm chính, bác ái, vị tha, bi từ, hỉ xả, hiếu sinh, hảo hoà, dung nạp. Có như vậy thì giáo chúng mới có chỗ nương tựa vững chắc để thể hiện những giá trị cốt lõi này của Hội Thánh. Có như vậy thì Đấng Cha Lành mới có thể mượn tay Hội Thánh để Lập Đời Văn Minh Thánh Đức, Tam Giáo Thánh Tòa mới có thể mượn tay Hội Thánh chèo thuyền bát nhã để đưa chúng sanh qua bĩ ngạn, Đấng Từ Mẫu mới có thể mượn tay Hội Thánh để ban rải tình thương nhiệm mầu của Thiên Quốc.
I. PHÂN BỐ THÔNG TIN:
49. Phân bố những thông tin nội bộ Hội Thánh (chỉ thị, quyết sách, ngân sách, báo cáo, tin tức…) như thế nào và đến mức độ nào chắc chắn là sẽ tùy vào nhu cầu thực tiễn và tùy vào mức độ bảo mật. Tuy nhiên, một nguyên tắc tổng quát cần áp dụng cho toàn Hội Thánh là cần phải để cho thông tin lưu hành hai chiều, sâu và rộng đến mức có thể, để bảo đảm không Dòng Đạo hay Chi Đạo nào, không một cơ quan nào và ngay cả không một giáo chúng nào bị “đói thông tin” hay cảm thấy “bị bỏ quên”.
J. LỄ PHỤC:
50. Nói chung là tất cả các lễ phục của Giáo Phẩm và Đạo Phẩm phải trang nhã, tôn nghiêm và phù hợp với cả hai cánh văn hóa Đông Tây.
50.1. Lễ phục của Hội Thánh căn bản phải là nền màu trắng, thân áo liền dài từ trên xuống quá gối và hàng nút nằm phía trước, bâu áo đứng cho nữ và bâu áo bẻ cho nam, tay áo dài tới cổ tay, rộng vừa phải, quần dài trắng, vớ trắng, và khăn đóng đen.
50.2. Lễ phục của Giáo Phẩm ba đài thêm vào ba màu vàng chanh, màu xanh dương sậm hoặc màu đỏ sậm. Xem chi tiết trong phần Lễ Phục Cho Phái Nam và Lễ Phục Cho Phái Nữ.
5.3. Dãy khăn quàng đạo phẩm của Nhứt Điện, Tam Đài, các Chi Đạo, các Dòng Đạo đều giống nhau. Nền lụa trắng có hoa văn và có thêu 1 tới 9 đóa sen vàng, thêu từ dưới lên và thêu cả hai bên. Đạo Phẩm Cấp 1 thêu 1 đóa sen vàng bên trái và 1 đóa sen vàng bên phải. Đạo Phẩm Cấp 2 thêu 2 đóa sen vàng bên trái và 2 đóa sen vàng bên phải ... cho tới Đạo Phẩm Cấp 9 thêu 9 đóa sen vàng bên trái và 9 đóa sen vàng bên phải.
K. SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP CỦA HỘI THÁNH:
51. Sau khi hoàn chỉnh Văn Bản Hướng Dẫn Tổ Chức Hội Thánh và đã thông qua Hội Thánh, tức là thông qua trước Hội Thánh Vô Hình và trước Hội Thánh Hữu Hình, toàn thể văn bản này sẽ trở thành là Hiến Pháp của Hội Thánh với chữ ký và dấu tay của tất cả các Giáo Phẩm Thượng Tầng của Hội Thánh cùng với chữ ký và dấu tay của các Giáo Phẩm đầu tiên lúc mới khai giáo đại diện cho ý nguyện của toàn thể giáo chúng. Trong lúc Đức Thể Nguyên còn tại thế, Hiến Pháp có thể được tu chính với sự đồng thuận của Đức Thể Nguyên cùng với các vị Chưởng và Hội Đồng Chánh Giáo. Sự uyển chuyển này cần thiết trong giai đoạn đầu của Hội Thánh để kịp thời bổ sung và kiện toàn Hiến Pháp của Hội Thánh một cách nhanh chóng nhằm đáp ứng tích cực nhu cầu cấp bách. Một khi Đức Thể Nguyên đã quy vị, từ đó về sau sẽ không một ai được quyền tự ý thay đổi hay hủy bỏ Hiến Pháp của Hội Thánh. Chỉ có thể tu chính thông qua Lập Trình Tu Chính Hiến Pháp của Hội Thánh.
52. Lập Trình Tu Chính Hiến Pháp của Hội Thánh chỉ được khởi động với it nhất 80% số phiếu bầu đồng ý của tất cả Giáo Phẩm Thượng Tầng của Hội Thánh Hữu Hình. Những điều khoản tu chính phải thông qua Hội Thánh, tức Hội Thánh Vô Hình và Hội Thánh Hữu Hình, cùng với chữ ký và dấu tay của tất cả các Giáo Phẩm Thượng Tầng của Hội Thánh, cùng với chữ ký và dấu tay của các Đại Biểu đại diện cho giáo chúng, thì những điều khoản tu chính mới có hiệu lực.
Hết.