BÌNH-MINH ĐẠI-ĐẠO II
BÁT BỬU
Long-Đức Qui-Châu
Gò-Công, Hợi thời 11-7 Kỷ-Dậu (23-8-1969)
DIÊU-TRÌ KIM-MẪU — Mẹ các con, Mẹ linh hồn mừng chung các trẻ!
Thi:
VÔ hình vô ảnh hạ trần-gian,
CỰC khổ vì con hạ điển quang,
TỪ bấy thân sinh trong thảc quản, (ruột tượng)
TÔN sùng trở lại Mẹ truyền ban.
Mẹ miễn lễ, các con an tọa nghe Mẹ đôi lời nhắc nhở. Nầy các con Ta! Các con đã là một thân phàm trong phàm thế, nhờ điển linh ban cho các con biết cử động, đầy năng-tri, học hiểu mọi điều lành dữ, đó là sự minh mẫn tánh tâm của các con, đó là Thiên-tư phát xuất từ Mẹ ban cho các con thu hút nhựa sống từ-lành của Mẹ, hầu làm điều thiện-lạc, thiện-từ theo ý của Mẹ đó các con!
Các con sanh phần nhi-nữ, sớm chiều quanh quẩn, các con được hưởng phúc dư, do sự ban bố mà đã là công của các con nhiều kiếp tạo gầy. Nhưng các con đã đầy đủ từ vật chất phát sinh tinh-thần, thì các con nên hoài bảo tâm mình, giữ vững mục-tiêu học điều Bác-Ái để thực hiện cho đời, hầu sưởi mát lòng các con bạc phước. Còn những con đã thiếu hạnh phúc, quanh-quẩn gia-đình, sớm chiều lao khổ, vì sự thiếu hụt tinh thần mà vật chất không bao giờ đáp ứng. Như vậy Mẹ lấy làm thương hại cho các con. Mẹ thương con chỉ rơi đôi giọt để chan hòa cùng con, dạy bảo con nên tập tánh thiện-từ, hầu hưởng đời Thánh-Đức như các con lập nghiệp tại trần, hầu tái kiếp, các con tránh điều nghiệt quả. Như vậy các con vượt khỏi mức tầm thường trở nên một bực khả-năng đầy ưu-ái, hầu tiến tới cảnh Thánh Triết Hiền-Nhơn.
Mẹ đã biết các con, các con tuy vật chất kém hơn, nhưng tinh thần các con cần trau-luyện đó là khả dĩ, đó là điều quí báu. Thoảng như các con phần vật chất đủ đầy, trái lại phần tinh thần, linh hồn các con không hoài công đào-tạo, thì rất uổng cho kiếp người sanh trong thế hệ, rất uổng cho đời của các con. Đã sẵn những phương tiện, các con nên nghe theo lời Mẹ ương-rải, những phương tiện nầy đâm chồi nảy tược để trở nên thành sum-sê cội cả, đến ngày quả thục sẽ trả lại cho các con đầy những hột giống từ lành. Như vậy gieo một đắc mười, các con có vui mừng chăng? Hay là các con quên những điều giáo hóa của Mẹ trao cho lúc hạ trần? Nào là: HIẾU, ĐỄ, TRUNG, TÍN, LỄ, NGHĨA, LIÊM, SĨ, các con còn đeo theo mình không? Hay là đã bỏ rơi ngoài nội đó các con! Tại sao Mẹ buộc các con phải mang theo trở về cùng Mẹ vì luật tuần-huờn định đoạt, mọi việc đều có đáp ứng. Nếu các con thiếu những điều kiện làm sao phản bổn?
Con người bỏ HIẾU thì các con đã phạm vào một tội rất lớn vì “Vạn thiện dĩ hiếu vi tiên”.
Các con bỏ ĐỄ thì các con đã xé nát thân tâm của Mẹ làm cho sự thuận-hòa không hòa-hợp, như vậy làm sao gần Mẹ đó các con.
Các con mất TRUNG thì lòng chơn thật ngay thảo của các con không còn, tức nhiên các con phải trở nên người tà vạy.
Các con bỏ chữ TÍN, mà vạn sự chỉ ư tín, “Nhơn vô tín bất lập”, nếu con người giữa cùng nhau mất lòng tin tưởng thì không bao giờ các con đặng tín-dụng. Nếu không được tín-dụng cùng nhau thì các con mãi quẩn-quanh trong trường đời luân chuyển.
LỄ, các con bỏ Lễ thì các con sẽ trở nên con người đầy phức tạp, “Tiên tấn ư Lễ”, nên lấy Lễ làm đầu. “Vạn sự dĩ Lễ vi tiên”. Nếu các con thiếu Lễ thì làm sao xử tròn nhơn đạo đó con.
Còn NGHĨA: “Kiến Nghĩa bất vi”, những điều Nghĩa các con không thực hiện được thì lấy làm hèn yếu cho lòng mình gọi là “Bất vi vô dõng giả” đó các con.
LIÊM: là Liêm-chính, phần liêm-chính Mẹ ban cho các con từ cấp bực Thượng, Trung, Hạ-lưu đều gìn giữ chữ Liêm. Làm quan trị dân lấy lòng liêm-khiết. Thận: là dè dặt. Cần: là bản tính siêng-năng, ấy là điều cần thiết cho con người dùng đức liêm-khiết để tế dân. Thoảng như các con đã tiêu diệt chữ Liêm thì các con đã mất một phần trọng đại về nhân phẩm, thiếu sót như thế thì làm sao mà phản hồi cựu-vị.
Còn SĨ là những điều hổ thẹn. Các con nên biết để tránh những điều ấy, những điều mà các con thế gian cùng con không thích hợp. Các con nên buông bỏ đừng thâu vào trí não để chứa đựng nơi tâm can.
Lòng các con chứa đầy điều sỉ-nhục, như thế các con không bao giờ trở về cùng Mẹ. Thế nên tám món báu nầy Mẹ ban cho các con, các con nên gìn giữ nơi mình để mang theo về Diêu-Cung Hội-Yến............