Có các vị Khách Đạo đến thăm Đức Ngài tại Tòa Đình GHTT và đã vấn đạo Đức Ngài trong nhiều giờ. Suốt thời gian trao đổi đã có nhiều vấn đề được nói tới. Nay xin ghi lại một vài điểm thú vị (chỉ tóm tắt ý chính vì không có thâu lại nguyên văn).
Vấn Đáp Ngày Đầu Năm 2025 - Phần 4
VẤN ĐÁP 15
Khách Đạo hỏi: Tôn giáo và khoa học đưa ra nhiều thuyết khác nhau để giải thích về sự hình thành của vũ trụ. Hiền huynh có biết, bằng một cách nào đó mà biết, Đại La Thiên được hình thành như thế nào không? Đức Ngài trả lời: Từ Đạo không phải là nhà khoa học có đủ thẩm quyền để đưa ra thuyết này thuyết nọ. Nhưng với tri thức huyền học mình có được, Từ Đạo cũng hoan hỷ chia sẽ để các Hiền Đạo tham cứu.
Trước khi ĐẠI LA THIÊN xuất hiện, chẳng có cái gì khác hiện hữu ngoại trừ HUYỀN TỬ. Trùng trùng huyền tử. Vô lượng huyền tử. Thuần một màu đen. Hiện hữu cùng với sự tĩnh lặng mênh mông, cùng với cái bao la chẳng thấy chỗ tận cùng. Chẳng biết gọi "cái toàn thể" này là gì nên tạm đặt tên là BẦU HUYỀN TỬ.
Mỗi mỗi huyền tử tự tánh thông linh. Bầu Huyền Tử là một toàn thể thông linh. Cái toàn thể thông linh cực tịnh đó của Bầu Huyền Tử chẳng biết gọi là gì nên tạm đặt tên là LINH LỰC NGUỒN. Cái toàn thể thông linh đó, dầu rằng cực tịnh, vẫn tỏa ra sức mạnh của sự tự hữu và hằng hữu tối thượng. Sự tự hữu và hằng hữu đầy quyền năng này chẳng biết gọi là gì nên tạm đặt tên là LINH NĂNG NGUỒN.
Mỗi huyền tử đều sở hữu thuộc tính tự chủ ẩn tàng trong cái tự tánh thông linh. Tự chủ có nghĩa là tự chọn, tự chuyển, tự hóa. Thuộc tính tự chủ này chính là "sinh cơ" trong mỗi huyền tử. Với sinh cơ tiềm ẩn này, mỗi huyền tử tự nó có thể duy trì nguyên trạng im lìm trong một thời gian dài, dài đến không thể nghĩ bàn. Cũng với sinh cơ tiềm ẩn này, mỗi huyền tử tự nó có thể đột nhiên thay đổi nguyên trạng mà nó đã duy trì trong một thời gian dài và trở nên sinh động.
Huyền tử không phải là vi vật chất. Có thể gọi mỗi huyền tử là một HẠT TẠO HÓA. Một khi sinh cơ khởi động mỗi huyền tử tự chọn là âm hay dương, động hay tịnh, cộng hưởng hay không cộng hưởng. Huyền tử cộng hưởng ở các cấp độ khác nhau hình thành các cấu trúc khác nhau tạm gọi là các CẤU TRÚC HỖN NGUYÊN. Từ nền tảng các cấu trúc hỗn nguyên này mới hình thành nên các dạng năng lượng thanh nhẹ và các dạng năng lượng trọng trược. Năng lượng trọng trược sau đó mới chuyển hóa thành các dạng loại vật chất.
Sự cộng hưởng lan tỏa làm cho một vùng nhỏ nào đó nằm bên trong Bầu Huyền Tử trở thành sinh động. Các mảng cộng hưởng chuyển dịch, va chạm, đùn đẩy, lộn lạo, xoay vần tạo thành thái trạng âm dương hỗn độn, thanh trược chưa phân, sáng tối lẫn lộn. Tạm gọi vùng nhỏ sinh động này là BẦU HỖN NGUYÊN. Các thứ hỗn độn bên trong Bầu Hỗn Nguyên này tạm gọi là NĂNG LƯỢNG HỖN NGUYÊN. Bên trong Bầu Huyền Tử có không ít Bầu Hỗn Nguyên.
Sự dịch chuyển của năng lượng hỗn nguyên bên trong một Bầu Hỗn Nguyên có khuynh hướng xoay vần và các vùng sáng xuất hiện ngẫu nhiên lúc đầu có khuynh hướng từ từ tụ vào trung tâm của Bầu Hỗn Nguyên hoặc dạt ra rìa. Theo đó, trung tâm của Bầu Hỗn Nguyên càng lúc càng sáng lên. Rìa của Bầu Hỗn Nguyên cũng phát sáng. Bên ngoài của Bầu Hỗn Nguyên là vùng tối mênh mông của huyền tử không cộng hưởng vẫn duy trì ở trạng thái im lìm cố hữu.
Bầu Hỗn Nguyên cũng là một toàn thể thông linh của tất cả các huyền tử mà sinh cơ đã triển hiện, đã cộng hưởng với nhau, và theo đó đã biến hóa. Cái toàn thể thông linh đó của Bầu Hỗn Nguyên chẳng biết gọi là gì nên tạm gọi là LINH LỰC HỖN NGUYÊN. Cái toàn thể thông linh đó cũng tỏa ra sức mạnh của sự tự hữu tối cao. Sự tự hữu đầy quyền năng này có thể được gọi là LINH NĂNG HỖN NGUYÊN.
Có những vòi sáng cong cong nối từ rìa sáng của Bầu Hỗn Nguyên tới trung tâm phát sáng và từ trung tâm phát sáng nối tới rìa sáng của Bầu Hỗn Nguyên cong cong theo hướng ngược lại. Những Vòi sáng này thoắt hiện thoắt biến, lúc chỗ này lúc chỗ khác khắp trong Bầu Hỗn Nguyên.
Đến một lúc ở trung tâm của Bầu Hỗn Nguyên xuất hiện một NGUỒN TẠO VÔ LƯỢNG QUANG MINH RUNG ĐỘNG VÔ BIÊN TẦN, nói gọn là NGUỒN TẠO, phóng thích vô lượng quang âm khắp hướng 360 độ cầu. NGUỒN TẠO mở ra một bầu không gian với vô lượng đốm sáng lớn nhỏ xuất hiện. Bầu không gian cứ mở ra mãi và các đốm sáng lớn nhỏ cứ dần dần đi xa ra theo cái giản nở đó và định hình một BẦU ĐẠI LA THIÊN.
Nguồn Tạo Vô Lượng Quang Minh Rung Động Vô Biên Tần cũng là một toàn thể thông linh. Cái toàn thể thông linh đó chẳng biết gọi là gì nên tạm gọi là LINH LỰC ĐẠI LA hay LINH LỰC NGUỒN TẠO. Cái toàn thể thông linh này cũng tỏa ra sức mạnh của sự tự hữu chí tôn. Sự tự hữu đầy quyền năng này được gọi là LINH NĂNG ĐẠI LA hay LINH NĂNG NGUỒN TẠO.
Bên trong một bầu không gian Đại La Thiên lúc đầu chứa đầy KHÍ HƯ VÔ sau đó dần phân ra KHÍ TIÊN THIÊN và KHÍ HẬU THIÊN. Bầu Khí Tiên Thiên cực thanh nhẹ bao quanh NGUỒN TẠO. Bầu Khí Hậu Thiên nặng trược bao quanh bên ngoài bầu Khí Tiên Thiên. Nói một cách khác, càng gần NGUỒN TẠO thì khí càng thanh nhẹ và ngược lại càng xa NGUỒN TẠO thì khí càng nặng trược. Chữ khí ở đây nên được hiểu là năng lượng. Nói Khí Tiên Thiên là nói năng lượng tiên thiên còn nói Khí Hậu Thiên là nói năng lượng hậu thiên. Còn nói Khí Hư Vô là nói năng lượng chưa phân lúc mới khởi tạo.
Tương tác giữa quang âm và năng lượng hậu thiên dần hình thành 72 lớp CÕI ĐỊA. Mỗi lớp cõi địa được gọi là một QUẢ ĐỊA. Quả Địa 72 nặng trược nhất nằm phía ngoài cùng. Gom chung tất cả cõi địa thành một bầu gọi là BẦU KHÔN. Mỗi quả địa có hằng hà sa số thiên thể bên trong bao gồm thiên hà, thái dương hệ, chuẩn tinh, hành tinh, định tinh, địa cầu, thiên thạch, tinh vân, bụi vũ trụ, hố đen, cùng các loại từ trường và các loại bức xạ, vân vân. Mọi thứ thuộc thể năng lượng hậu thiên và vật chất trọng trược chỉ có thể hiện diện trong Bầu Khôn. Bầu Khôn của 72 hai lớp cõi địa, hay 72 Quả Địa, hay Thất Thập Nhị Địa, được chia thành bốn phân khu (4 quadrants) gọi Tứ Đại Bộ Châu. Trái đất chúng ta đang sống hiện nay nằm trong Quả Địa 68 và nằm trong phân khu Nam Thiệm Bộ Châu. Mỗi lớp cõi địa có mật độ năng lượng khác nhau. Lớp ngoài mật độ nặng đặc hơn (denser) lớp trong, vì thế Bầu Khôn mới được định hình thành từng lớp gọi là các quả địa. Bên trong mỗi lớp cõi địa, cấu trúc mật độ năng lượng cũng không đồng nhau mọi nơi. Có vô sô ống rỗng xuyên qua cấu trúc mật độ năng lượng bên trong một lớp cõi địa và cũng có vô số ống rỗng xuyên qua nhiều lớp cõi địa.
Tương tác giữa quang âm và năng lượng tiên thiên dần hình thành 12 tầng CÕI THIÊN với ba ngàn thế giới lúc mới khai nguyên (nay đã có nhiều hơn). Tuyệt nhiên không có thiên thể vật chất nào bên trong bầu hư không thanh tịnh này. Tất cả 12 Cõi Thiên được gọi chung là BẦU CÀN.
Như vậy, một trong bầu không gian Đại La Thiên gồm có (1) bầu không gian phi thiên thể, tức Bầu Càn, bao quanh NGUỒN TẠO và (2) bầu không gian với vô số thiên thể bao quanh bên ngoài Bầu Càn, tức Bầu Khôn. Đây cũng chính là chỗ Lão Tử nói: "Nhất giả, hình biến chi thủy dã. Thanh khinh giả thướng vi thiên, trọc trọng giả há vi địa... thiên địa hàm tinh, vạn vật hóa sinh." (Thiên Thụy, Liệt Tử viết). Tạm dịch: MỘT là khởi đầu của biến dịch. Cái trong và nhẹ thì đi lên làm trời. Cái đục và nặng thì đi xuống làm đất.... trời đất chứa linh khí (hàm tinh), vạn vật nhờ đó mới biến hoá và sinh thành.
VẤN ĐÁP 16
Khách Đạo hỏi: Huynh luôn dùng chữ "vũ trụ pháp giới" liền nhau. Dường như không hoàn toàn giống với chữ pháp giới của Phật giả sử dụng. Xin huynh giải thích thêm. Đức Ngài trả lời: Với từ đạo, chữ vũ trụ có nghĩa là vũ trụ vật lý. Còn pháp giới bao gồm sự tương tác giữa hữu hình với vô hình, giữa Linh Lực (thần tính) với vật chất, giữa Linh Năng với vạn thù, giữa nội giới với ngoại giới, giữa thức với không, giữa tạo hóa với như nhiên, giữa sinh với diệt, và ... tất cả mọi triển hiện. Pháp Giới mà Từ Đạo biết và muốn trình bày ở đây liên quan đến câu hỏi vừa rồi (câu hỏi 15), không phải thứ "pháp giới do tâm tạo" mà là thứ "pháp giới do Nguồn Tạo tạo", do đó Từ Đạo mới gom chung thành một cụm từ "vũ trụ pháp giới". Toàn thể vũ trụ pháp giới mà Từ Đạo được biết thì là như sau:
Bảy mươi hai quả địa thuộc về HẠ GIỚI hay ĐỊA GIỚI và tất cả chúng loài trong cõi Hạ Giới thuộc thành phần ĐỊA CƯ. Mười hai tầng thiên thuộc về THƯỢNG GIỚI hay THIÊN GIỚI và tất cả chúng loài cõi Thượng Giới thuộc thành phần THIÊN CƯ. Các quả địa càng xa NGUỒN TẠO thì càng trọng trược, càng u tối. Trình độ tiến hóa của chúng loài trong Quả Địa 72 kém xa chúng loài trong Quả Địa 71, kém xa hơn nữa so với chúng loài trong Quả Địa 70. Cứ như thế, theo thứ tự từ trược tới thanh hơn tiến dần tới NGUỒN TẠO. Về mặt tiến hóa thì đương nhiên cư dân ĐỊA CƯ không thể so bì với cư dân THIÊN CƯ và cư dân lớp ngoài hay tầng dưới không thể so với cư dân lớp trong hay tầng trên. Càng thanh thì càng cao càng gần với NGUỒN TẠO, tức gần với Linh Lực Đại La. Ngược lại, càng trược thì càng thấp càng xa với NGUỒN TẠO, tức xa với Linh Lực Đại La.
Như đã nói, mỗi quả địa chứa đựng hằng hà sa số thiên thể, hoặc thấy hoặc không thể thấy bằng mắt thường, và tất cả chúng sinh trong CÕI GIỚI ĐỊA này ĐỀU THUỘC THÀNH PHẦN ĐỊA CƯ. Đất đá, cây cỏ, thú cầm, con người, ma quỷ, yêu linh, địa thần, địa tiên, tinh linh và tất cả chúng sinh khác thuộc chúng loài địa cư dầu là CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC KHẢ NĂNG PHI THIÊN nhưng không phải và cũng KHÔNG THỂ CƯ THIÊN. Nói cách khác là chủng loài địa cư bị hạn chế (bị giam) trong Cõi Giới Địa.
Chúng loài địa cư có thể học hỏi và phát triển tâm linh tới mức có thể tự chủ xuất linh thể đi chu du nhưng vẫn là công dân địa cư. Chúng loài địa cư có thể học hỏi và phát triển khoa học kỹ thuật đến mức có thể di hành từ thiên thể này sang thiên thể khác, từ thái dương hệ này tới thái dương hệ khác, từ thiên hà này sang thiên hà khác, thì cũng vẫn là công dân cư địa.
Trong Bầu Càn, hay bầu hư không phi thiên thể, có tất cả 12 Quả Không, thường được gọi là 12 Tầng Thiên (nếu chia thêm thượng, trung, hạ thì thành 36 tầng). Tầng Thiên Thứ Nhứt tiếp giáp với Quả Địa 01 còn lớp cầu trong cùng tức Tầng Thiên Thứ 12 thì tiếp giáp với NGUỒN TẠO. Gọi “tầng” là nhìn theo mặt cắt phẳng, còn gọi “lớp cầu” hay “bầu” hay “quả” là nhìn theo không gian ba chiều.
Như đã nói, có tất cả ba ngàn thế giới lúc mới khai nguyên phân bố trong khắp 12 tầng thiên nằm trong bầu hư không phi thiên thể, tức Quả Càn. Mỗi thế giới có vô số THIÊN CUNG. Chúng linh mệnh tiến hóa cao hiện thân trong ba ngàn thế giới phân bố khắp trong 12 tầng thiên này được gọi là CHƯ THIÊN, hay CHƯ VỊ CƯ THIÊN, tức là chư vị cư ngụ trên thiên cung trong hư không. Nói cho rõ hơn là cư dân trong 12 tầng thiên là NHỮNG LINH MỆNH CAO CẤP cư trú trong hư không thuộc Bầu Càn vì thế họ được gọi chung là Chư Thiên.
Như vậy Thánh, Tiên, Đại La Kim Tiên, Phật, A La Hán, Bồ Tát, Thiên Đế, Thượng Đế, Chúa (gọi theo khái niệm văn hóa tôn giáo vùng miền)... thì tất cả đều là Chư Thiên vì họ đích thực là chư vị cư thiên tức cư trú trong thế giới hư không của Bầu Càn.
Trong một Đại La Thiên có hằng hà sa vô số linh chúng. Hai chữ linh chúng ở đây được dùng chung cho vạn linh nằm trong Bát Đẳng Chơn Hồn (theo cách gọi của Cao Đài Đại Đạo) bao gồm đất đá, cây cỏ, cầm thú, nhơn, thần, thánh, tiên, phật.
Sẵn đây Từ Đạo cũng phải giải thích rõ hai điểm. Điểm thứ nhất, chữ "thế giới" Từ Đạo dùng ở đây không giống với chữ thế giới của Phật giáo. Theo kinh điển Phật giáo mỗi thế giới gồm một núi Tu Di, một mặt trời và một mặt trăng. Một ngàn thế giới thành một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới thành một đại thiên thế giới. Như vậy, trong một tiểu thiên thế giới có tới một ngàn núi Tu Di (là điểm cao nhất trên bề mặt một địa cầu) và mỗi thế giới (một địa cầu) nằm trong một thái dương hệ của nó (mặt trời). Như vậy chữ thế giới của Phật giáo nói là thuộc về cõi địa nằm trong Bầu Khôn mà Từ Đạo nói. Còn cụm từ ba ngàn thế giới mà Từ Đạo sử dụng thì chỉ có nghĩa là "ba ngàn cõi giới hư không" nằm trong Bầu Càn, không phải thuộc cõi địa với hằng hà sa số thiên thể như Phật giáo nói.
Điểm thứ hai, kinh sách Phật Giáo gọi các Devas là Chư Thiên. Cách gọi này không đúng với chữ Chư Thiên mà Từ Đạo sử dụng với ý nghĩa là "chư vị thiên cư", vì Devas và toàn thể bát bộ thiên long chỉ là những linh tộc cõi địa cư nên không được coi là chư thiên. Có rất nhiều tài liệu liên quan đến tám loài linh tộc trong bát bộ chúng được ghi trong khảo cứu tín ngưỡng của các quốc gia và có nhiều bằng chứng được ghi lại trong sử thi của Ấn giáo nói về các loài này. Các huynh đệ có thể tự tìm hiểu thêm.
Từ Đạo cũng tự hỏi tại sao Devas không được dịch là Đi Va và Naga không được dịch là Na Ga, dùng cùng một phương pháp như đã dịch cho 6 loài chúng sanh kia (Dạ Xoa cho Yaksha, Càn Thát Bà cho Gandhavar, A Tu La cho Asura, Ca Lâu La cho Garuda, Khẩn Na La cho Kinnara, Ma Hầu La Già cho Mahogara) mà phải đổi thành Chư Thiên và Rồng??
Từ Đạo xin được trở lại vấn đề chính. Vạn vật xuất hiện trong thế giới vật lý là đến từ sự triển hiện của Linh Năng. Mọi vận động của thế giới vật lý đều gắn kết với Trường Ma Trận của Linh Năng. Vũ trụ vật lý thiên biến biến vạn hóa không gì khác hơn là triển hiện (expression) của Linh Năng ở các tầng cấp và mật độ khác nhau bên trong Trường Ma Trận của Linh Năng.
Vạn thù xuất hiện trong linh giới đến từ sự triển hiện của Linh Lực. Mọi vận động của linh giới đều gắn kết với Trường Ma Trận của Linh Lực. Vũ trụ linh giới không gì khác hơn là triển hiện (expression) của Linh Lực ở các tầng cấp và mật độ khác nhau bên trong Trường Ma Trận của Linh Lực.
Đại La Thiên vẫn là một chỉnh thể đơn nhất dù rằng trong tiến trình sáng tạo từ lúc khởi nguyên, và tiếp tục sáng tạo trong quá trình mở rộng, đã từ một Nguồn Tạo Vô Lượng Quang Minh Rung Động Vô Biên Tần đơn nhất triển hiện thành hằng hà sa số vạn vật. Trường Ma Trận, mạng lưới đa chiều đa tầng và vô biên hạn, của Linh Năng và Linh Lực luôn luôn nối kết vũ trụ vật lý với vũ trụ linh giới, duy trì một chỉnh thể đơn nhất tự nhiên xuyên suốt trong muôn vạn hình thái triển hiện, Từ Đạo gọi chỉnh thể đơn nhất tự nhiên này là VŨ TRỤ PHÁP GIỚI.
Tự tánh thông linh tiềm ẩn trong mỗi cá thể vạn linh nối kết với Ý THỨC VŨ TRỤ PHÁP GIỚI, và luôn kết nối, giúp cho cá thể ý thức mơ hồ về một Vũ Trụ Pháp Giới và mường tượng ra nó chính là một chỉnh thể đơn nhất mà mình đang là một phần tử trong chỉnh thể đơn nhất đó. Ý thức mơ hồ này làm cho cá thể vạn linh luôn đau đáu với những câu hỏi như là "Mình từ đâu đến? Mình sẽ về đâu?" đại loại như thế trong suốt cuộc đời. Ý thức mơ hồ này luôn thôi thúc cá thể vạn linh hướng về Linh Nguồn, khởi điểm mà mình đã lìa khỏi và trở thành cái hiện hữu đang là.
Đối với một cá thể, ý thức về sự hiện hữu của Vũ Trụ Pháp Giới cùng với vô lượng hình thái triển hiện trong Vũ Trụ Pháp Giới và ý thức về sự hiện hữu của bản thân vừa thật lại vừa không thật. Tại sao có thể là như vậy? Tại vì tất cả vạn vật trong Vũ Trụ Pháp Giới đều là thật, rất thật, cho nên nói là thật. Nhưng riêng với từng cá thể hiện hữu thì Vũ Trụ Pháp Giới chỉ thật trong giới hạn bản thân tự ghi nhận và chỉ thật trong giới hạn tồn tại đương lúc triển hiện, cho nên so với toàn bộ và vô tận triển hiện thì cái thật trong giới hạn tồn tại đương lúc triển hiện trở thành không thật.
(chưa xong, đang viết tiếp.)