GÓC VƯỜN RIÊNG CỦA LÃO ÔNG THIÊN QUỐC (P2)

06 Tháng Ba 201812:00 SA(Xem: 534)

 
BẬP BỀNH NHỮNG PHIẾN VỤN KÝ ỨC CỦA ÔNG LÃO THIÊN QUỐC


CÂY CẦU NỔI

Cây cầu nổi thẳng băng nối liền hai bờ của con sông rộng nằm sát ngay cửa biển.  Đầu bên kia là Tô Châu.  Đầu bên này là chợ Hà Tiên.  Không biết cầu có bao nhiêu nhịp cả thảy nhưng cho cảm giác là nó rất dài.  Những nhịp cầu bằng sắt màu ô liu xếp xuôi, gá lên trên những chiếc ca nô phao bằng nhựa đen nằm song song ngang phía dưới.  Cầu nổi trên mặt nước, nhìn giống một con đường lộ hơn là một chiếc cầu. Những ngày giông gió, sóng dập vào làm cầu lắc lư và nước văng tung tóe, đi ngang sẽ tưởng chừng như là mình đang đóng phim hành động.  Những đêm trời êm ả, bóng tối trải dài, lưa thưa ánh đèn vàng lấp loáng trên mặt sông, nước chảy ngang qua dội lên tiếng rì rào, thỉnh thoảng gió lùa dưới thân cầu, mất hút, và lùa trên mặt cầu, làm tóc dài của ai đó bay bay, một chút chồng chềnh dưới đôi chân, một chút bồng bềnh trong trí tưởng, tình ơi là tình, không thua bất cứ chiếc cầu lãng mạn nổi danh nào trên thế giới.

       Cầu được lắp đặt vội vã trong thời chiến, cho mục đích ngắn hạn, nhưng rồi nó đã tiếp tục nằm đó suốt ba thập niên hơn và trở thành quen thuộc với mọi người ở đây, quen thuộc đến độ mọi người đã quên nó chỉ là một chiếc cầu tạm.  Mãi cho đến sau này, khi đã có cây cầu khác, người ta mới dẹp bỏ nó.  Bây giờ chẳng biết có bao nhiêu người còn nhớ cây cầu nổi năm xưa.  Hay đã vội vã quên, như người ta đã vội vã quên một cơn mưa rào đến đi khoảnh khắc trong một ngày nào đó, dầu cho nắng mưa bất chợt của vùng duyên hải có gắn bó với họ suốt cả một đời.  Đã bao nhiêu triệu lượt người từng qua lại ngang con cầu này, có ai biết không?  Đã có bao nhiêu trai gái bên này và bên kia sông từng viết những trang tình sử cho riêng họ nhờ con cầu này đã kết nối bờ này với bờ kia, có ai biết không?  Đã có bao nhiêu khách lữ hành từ phương xa đến đây và đặt chân trên con cầu này để được trải nghiệm cái cảm giác lênh đênh bềnh bồng, có ai biết không?  Chỉ hỏi bâng quơ vậy thôi.  Biết thì sao mà không biết thì sao? Cây cầu năm xưa đã biến mất, vĩnh viễn biến mất.  Có thể rất nhiều người đã không còn nhớ đến cây cầu nổi năm xưa.  Có thể rất nhiều người không biết đến đã từng có cây cầu nổi năm xưa, nối liền bên này và bên kia bờ của con sông rộng, bên kia là núi Tô Châu, bên này là phố chợ, nhờ có con cầu này mà phố núi liền nhau.  Không còn nhớ hay chưa từng biết cũng chẳng sao.  Cuộc đời là như vậy.  Nhưng riêng với những ai từng nhận ra cây cầu nổi Hà Tiên là một phần trong góc đời riêng của họ sẽ dễ dàng nhận ra rằng cây cầu có thể biến mất vĩnh viễn nhưng câu chuyện dài mà nó lưu lại không dễ lau chùi khỏi trí nhớ.  Câu chuyện của cầu được viết mỗi ngày, chỉ bằng những bước chân đi ngang qua nó, chỉ bằng những hạt cát rơi lại trên mặt cầu, chỉ bằng sự im lìm hay thịnh nộ của sóng nước đang trôi bên dưới, chỉ bằng ngôn ngữ của sự sống đời thường tiếp diễn mỗi ngày, tất cả được viết lặng lẽ không màu mè son phấn, không viết trên giấy, chỉ viết trong tim của người đang níu giữ ký ức.

 

 

NHỮNG CHUYẾN XE ĐÒ

Bên này đầu cầu có một một xe bán nước đá bào, nằm cạnh gốc và dưới tàng một cây dương khá to.  Nơi hàng dương đó, nơi cái quán di động đó, tôi và một vài thằng bạn chung trường, hôm nay thì vài ba đứa này hôm sau thì vài ba đứa khác, đã ngồi uống những ly nước đá bào xịt nước xí muội trong lúc đợi chờ những chuyến xe liên tỉnh đỗ bến Hà Tiên, chẳng để đón ai cả, chỉ là để chờ xem trong số những người khách  lạ có bóng hồng nào xuất hiện đủ để làm xôn xao trái tim của những thằng học trò của vùng biên địa nghèo nàn này không. 

       Dĩ nhiên là không phải ngày nào cũng có bóng hồng phương xa đến Hà Tiên.  Sự thật là có khi cả mấy tháng cũng chẳng thấy một bóng hồng lạ nào xuất hiện.  Chả có giai nhân phố lớn nào mà rảnh rang mò về cái nơi đìu hiu lộng gió này để làm khỉ gì, trừ khi là có việc.  Biết vậy nhưng bọn tôi, hay nói đúng hơn là chỉ có tôi, không thấy nhàm chán, vẫn kiên nhẫn ngồi nơi chiếc xe bán nước đá bào xịt nước xí muội vào những ngày nghĩ học hoặc những lúc không có lớp, để chờ để đợi những chuyến xe liên tỉnh về đỗ bến Hà Tiên.  Kiên nhẫn đến mức lì lợm.  Nhưng không sao, nhờ chúng tôi mà ông chủ xe bán nước đá bào xịt xí muội kiếm thêm được vài đồng bạc sống qua ngày. Cũng có cái tốt trong cái "vô tích sự". 

       Riết rồi chúng tôi biết rõ từng chuyến xe đò, cũng như ông chủ xe bán nước đá bào xịt nước xí muội biết rõ từng đứa chúng tôi.  Chúng tôi thì ghiền ngồi đợi những chuyến xe liên tỉnh về đậu bến Hà Tiên.  Ông chủ xe bán nước đá bào xịt nước xí muội thì ghiền chúng tôi, những thằng nhóc trung học, ghiền nghe những mẫu đối thoại tầm phào của chúng tôi ném qua ném lại, ghiền tiếng nói rôm rả của chúng tôi trong cái thời không dễ làm nặng mí mắt vì cái hiu hiu của gió và oi oi của nắng trưa.  Có những ngày chúng tôi đi ngang mà không ghé.  Ông chủ xe bán nước đá bào xịt nước xí muội hỏi vói vì sao hôm nay không ghé. Chúng tôi nói "không tiền."  Ông chủ nói "chuyện nhỏ."  Thế là ông ngoắt chúng tôi vào làm cho mấy ly nước đá bào xịt nước xí muội.  "Bán chịu, khi nào có thì trả."  Đời sống của cái xứ Hà Tiên này là vậy.  Nghèo tiền bạc nhưng giàu tình cảm và giàu gắn bó vu vơ.  Cũng giàu luôn cả thời gian, nên mọi người nhởn nhơ nhởn nha mà  sống. 

       Thật ra ngồi đợi những chuyến xe liên tỉnh về đổ bến Hà Tiên, với tôi, là để trốn cái cảm giác khó chịu của cuộc sống đang bị ninh nhừ từng ngày bởi sự êm ả, từ từ, bình tỉnh sống của cái xứ Hà Tiên.  Nhìn những người khách lạ và không lạ xôn xao đến đi cho tôi cái cảm giác lâng lâng như nhận được một luồng ô xy.  Khoảnh khắc đó, tôi có cảm giác là mình được hồi sinh và Hà Tiên không phải là một vùng đất chết.

 

 

NGỰA HOANG

Hà Tiên của tôi rất đáng yêu.  Đáng yêu vì phong cảnh thiên nhiên rất hữu tình trời ban cho xứ này, vì có những thằng bạn và những con bạn cùng lớn lên dưới một mái trường, vì có những kỷ niệm ngọt ngào và không mấy ngọt ngào của tuổi nụ, vì những di sản văn hóa rất đáng tự hào.  Vì có cả những con ốc len buồn tẻ lặng lẽ trườn mình dưới những gốc cây dừa nước của rừng ngập mặn ven biển, những con còng gió xanh xanh đỏ đỏ thậm thò thậm thụt trước những cửa hang tròn tròn nho nhỏ trên cồn cát, những trụ đáy giữa sông lắc lư vì dòng cuốn mùa nước đổ, những tay lưới màu nâu tím nhuộm bằng vỏ cây sắn nằm trên giàn phơi dọc xóm cầu với bầy quạ đen thông minh và nhiều chuyện.  Vì tất cả các thứ của Hà Tiên, ngay cả sự nghèo nàn và thua thiệt của người dân nơi đây, có thể nói không một chút hoài nghi là tôi yêu quê tôi nhiều vô kể.

       Nhưng đồng thời, thật tình mà nói, tôi cũng ngộp ngạt vô cùng với Hà Tiên của tôi.  Cái thị tứ chỉ nhỏ bằng cục cứt mũi.  Đi loanh quanh chưa được bao nhiêu bước chân là đã về lối cũ.  Mọi người đều biết nhau và mọi chuyện không thoát ra khỏi tầm mắt của bà con gần, của bà con xa, và của bà con chẳng phải bà con.  Mà tôi lại là con ngựa hoang thuộc giống mustang cần một thảo nguyên lộng gió thật rộng và thật dài để có thể mặc tình mà sải thẳng cẳng, chẳng muốn ai quất roi trên lưng; cần một bầu trời thật cao để cất tiếng hí vang rồi nhảy cỡn lên đá lung tung khi hứng chí, chẳng ai có thể bắt nạt; cần một nguồn sinh lực tinh khôi nuôi bằng tinh chất tự do để mỗi ngày có thể chạy cùng với mặt trời từ Đông sang Tây cuốn theo một con cái nào đó muốn đồng hành,  không cần ai cho phép.  Những trói buộc và giới hạn sẽ làm tôi chết dần mòn trong nỗi buồn chán và mệt mỏi.   

       Chính vì nỗi buồn chán và mệt mỏi của trói buộc và giới hạn mà tôi chẳng cố gắng nỗ lực mài đũng quần trong lớp học cho ra trò. Tôi ưa trốn học lên đỉnh Núi Lăng đứng ngồi trên đó hàng giờ nhìn cái bao la của vùng nước xanh phía dưới xa kia, nghe tiếng lá dừa xào xạc vói theo những luồng gió đi qua, hít thở hương thơm của núi rừng trộn lẫn với mùi ngai ngái của biển cả, cảm nhận giới hạn của không gian Hà Tiên được nới rộng, để thấy mình vẫn còn là . . . ngựa hoang.  Tôi thích đầm mình trong thế giới diễm ảo của thi ca, nơi đó cảm xúc và ngôn ngữ được tự do giao phối và thụ thai, mọi thứ đều trở thành vô hạn và không ai có thể kiểm soát hay ức chế, để thấy mình vẫn còn là . . . ngựa hoang. Tôi thèm yêu và thèm được yêu bạt mạng, cho tới tận cùng của thách thức, cho tới mức những dây chắn trên sàn võ đài đứt bung ra và tên võ sĩ tôi trịch thượng mặt đầy máu đổ ập xuống ngất ngư sau khi ăn no những quả đấm bao dung, để thấy mình vẫn còn là . . . ngựa hoang. 

       Chính vì nỗi buồn chán và mệt mỏi của trói buộc và giới hạn mà tôi thích rờ thử vào những thứ không được phép, ít ra là không được phép ở lứa tuổi học trò.  Những thứ tôi đã rờ thử thì không ít.  Có lần tôi đã lẻn vào một tiệm hút thuốc phiện.  Núp trong buồng hút, tôi thả ánh mắt tò mò nhìn quanh, thấy mấy con thằn lằn nghiện khói bám trên cái vách tường nhợt nhạt màu vôi vàng cũ ố dường như không có sức để bò, nghe tiếng dọc tẩu phát ra âm thanh hụt hơi dường như tiếng khò khè của người bệnh nặng, ngửi mùi khen khét của á phiện trộn với mùi mồ hôi thấm trong quần áo da thịt lâu ngày không tắm rất đặc trưng... tất cả mọi thứ trong căn phòng dường như đang hấp hối.  Rồi ánh mắt tôi dừng lại trên khuôn mặt hốc hác lờ đờ của một người đàn ông ốm o đang phê bên bàn đèn. Ông ta đang ngao du trong thế giới phù dung với những bước đi nhẹ hẫng như làn khói. Tôi chăm chú quan sát ông ta với tất cả thích thú.  Tôi đã rán sức hình dung ra thế giới đó, một thế giới vô biên vô hạn vô hình của những cơn say ảo giác, chao lượn đến đáy sâu của sự từ bỏ tự chủ, ngã ngớn tới tận cùng của sự tự nguyện hủy diệt.  Vài phút sau thì cái lờ đờ từ từ tan mất trên khuôn mặt.  Tôi thấy ông ta ánh lên sự hồi sinh.  Bổng dưng tôi thấy ông ta thật tội nghiệp và thấy mình thật may mắn.  Cuối cùng tôi bị tóm cổ quăng ra ngoài cửa.  "Đồ con nít ranh vào đây làm gì" người chủ tiệm hút lầm bầm.  Ngớ ngẩn.  Thì vào để cho biết chứ làm gì.  Tuyệt thật, sau kinh nghiệm đó tôi có thể khẳng định rằng tuy tôi hoang như ngựa nhưng thế giới phù dung không phải là chỗ cho con ngựa hoang này.  Tôi cần tự do vì tôi thèm khát được sống. Tự do không thể hiện hữu khi đã đánh mất tự chủ. Tôi thèm khát được sống chứ không phải thèm khát tự hủy diệt.  

       Chính vì nỗi buồn chán và mệt mỏi của trói buộc và giới hạn mà tôi cứ muốn chọc ghẹo phá phách ai đó, và trong tiến trình đã làm thương tổn người khác, và có khi "tự tôi làm khổ tôi đây" (Trịnh Công Sơn).  Có một lần trong giờ thi môn luận văn, trong lúc mọi người đang cặm cụi lo "sáng tác" và không dám lãng phí thời gian, còn thầy giáo thì đang chăm chú đọc cái gì đó trên bàn của thầy, tôi đã nhích gần và lén vói tay nắm lấy bàn tay của một người bạn gái học chung lớp.  Với một bàn tay đã bận nắm lấy tay em dĩ nhiên tôi không thể tập trung đầu óc để tiếp tục làm bài thi.   Nhưng mặc kệ nó, có rớt thì rớt, ở lại lớp là cùng.  Tôi nổi chứng ngựa hoang.  Một bàn tay của em bị tôi nắm lấy, muốn rút ra nhưng không thể vì bị tay tôi nắm chặt, hay vì một lý do nào khác chỉ có trái tim em mới biết.  Em nhìn tôi van nài.  Tôi nhìn em trêu chọc.  Ánh mắt tôi ngầm nói "em có thể tiếp tục viết bài với bàn tay kia và hãy để yên tay này cho anh nắm."  Như hiểu ý, em lắc đầu.  Tôi vẫn nhìn em, bây giờ là với thứ ánh mắt muốn biến em thành giọt mật trên đầu lưỡi tôi, pha lẫn một chút bỡn cợt.  Em đã không thể tiếp tục làm bài, làm sao có thể khi một hòn đá đã rớt xuống mặt hồ.  Em dùng bàn tay còn lại chỉ một ngón tay về phía ông thầy như ngầm răn đe.  Tôi lắc đầu ngầm nói "không sợ."  Vẫn tiếp tục lì lợm nắm lấy tay em.  Em có thể lên tiếng phản đối, nhưng em đã không.  Một khoảnh khắc dài trôi qua.  Em để yên bàn tay em trong lòng bàn tay tôi, đã nới lõng.  Em vẫn nhìn tôi.  Không chắc là em đang nhìn tôi hay đang nhìn xuyên qua tôi.  Nhìn, chỉ ngần ấy thôi.  Có thể nói được gì hay làm được gì hơn khi mà hai đứa đang ngồi ngay trong phòng thi và ngay giữa giờ thi.  Tôi vẫn nhìn em, vẫn là với thứ ánh mắt muốn biến em thành giọt mật pha lẫn một chút bỡn cợt còn sót lại.  Hai đứa vẫn nhìn nhau, không động đậy, cũng không chớp.  Bất chợt biển mặn trong đôi mắt em từ từ dâng lên tới khóe, thành giọt đậu lại ngập ngừng, long lanh bên sau tròng kính cận, rồi chầm chậm lăn dài xuống má.  Lúc này ánh mắt em dường như là trách móc, dường như là tủi thân, dường như là đồng lõa, dường như là muốn nói "anh đã đùa quá đáng, anh đang phá hỏng một hy vọng của em, và đang làm thương tổn trái tim em rồi đó có biết không."  Bất chợt tôi chới với ngã dài trong ánh mắt của em, ánh mắt đan xen nhiều gam màu cảm xúc tôi chưa từng trải nghiệm.  Bất chợt tôi bị nhấn chìm thật sâu trong hai dòng lệ của em, dòng lệ chứa đựng nhiều ngôn ngữ lạ tôi chưa từng biết qua.  Tôi vội vã rút bàn tay của mình ra khỏi bàn tay em, như sợ bàn tay kẻ cắp của mình vừa lỡ cầm nhầm trái tim của một thiên thần và thế là vĩnh viễn thiên thần sẽ không thể chấp cánh bay lên được nữa.  Em im lặng để tôi vội vã buông tay em, như sợ rằng sự đồng lõa kéo dài giây phút kết nối của hai bàn tay sẽ làm cho giọt máu Chúa Thánh Linh trôi về lại hư không và em sẽ không còn là Mẹ Đồng Trinh tôn kính.  Cả hai đều vội vã.  Tôi vội vã buông.  Em vội vã không níu giữ.  Nếu như không vội vã, có thể cả hai sẽ đều bị thương tổn.  Không, không phải là có thể mà là chắc chắn, chắc chắn là cả hai sẽ cùng bị thương tổn.  Tôi là con ngựa hoang chứ có phải là con ngựa đá đâu mà không sợ bị thương tổn.  Tôi là một con ngựa hoang có trái tim non chứ có phải là con ngựa đá vô tri đâu mà không có khả năng bị thương tổn.  Tuy tôi thèm yêu và thèm được yêu bạt mạng, cho tới tận cùng của thách thức, nhưng không phải là như thế này, cũng không phải là với em.  Tôi là một con ngựa hoang, thích tung vó trên thảo nguyên, muốn rủ rê một con cái nào đó đồng hành, chỉ cho một khoảnh khắc bốc đồng thôi, đâu muốn làm thương tổn ai đâu, nhất là đâu muốn làm thương tổn một nữ thánh như em.  Để lại một tổn thương cả đời không thể phôi phai cho một nữ thánh là một trọng tội đáng bị đày vào hỏa ngục.  Tôi chỉ là con ngựa hoang giữa chốn hồng trần chứ đâu phải là con ngựa thần kéo xe phun lửa của Krishna đâu mà không sợ hỏa ngục.  Bất quá chỉ là một phút nổi chứng của ngựa thôi mà.  Tôi cúi gầm mặt né tránh ánh mắt em vẫn chằm chằm nhìn tôi, ướt lệ.  Cổ họng tôi khô căng.  Bổng dưng tôi thèm một điếu thuốc lá Basto xanh.  Tôi thọt bàn tay vào túi quần, bàn tay vừa phạm tội, khó nhọc móc ra bao thuốc lá đã hơi nhầu, khó nhọc cầm nó trong tay, và khó nhọc lấy lại tự nhiên.  Dĩ nhiên học trò không được hút thuốc. Cấm.  Nhưng mà tôi đã.  Tôi lỡ chạm vào nhiều cái cấm rồi.  Thuốc lá chỉ là chuyện nhỏ.  Cuối cùng tôi quyết định đứng lên len lén bước ra khỏi lớp, cảm giác mỗi bước chân nặng chình chịch vụn về.  Bỏ ra ngoài chỉ để hút một điếu Basto xanh.  Thiệt là chỉ để hút một điếu Basto xanh hay là để có đủ thời gian vạch miệng vết thương xem có bị ướt máu, vì một mũi tên không thấy trước?  Tôi chẳng biết.  Chỉ biết chắc một điều là con ngựa hoang ngay lúc này không còn là con ngựa hoang hợm hỉnh của vài phút trước.

 

 

TRĂNG HÀ TIÊN

Hà Tiên có một thứ mà không nơi nào có. Trăng Hà Tiên.  Không phải núi đồi. Cũng không phải sông biển. Mà là trăng.  Trăng Hà Tiên không lớn hơn trăng nơi khác.  Trăng Hà Tiên không sáng hơn trăng nơi khác.  Nhưng trăng Hà Tiên đặc biệt hơn bất cứ nơi nào tôi từng biết. Trăng Hà Tiên đẹp huyền ảo như thiên nữ liêu trai.  Trăng Hà Tiên đẹp lung linh như tình yêu đầu đời.  Trăng Hà Tiên quyến rũ đến mức tưởng chừng như toát ra mùi hương phấn nữ nhân.  Ai chưa từng đi lang thang suốt sáng dưới ánh trăng Hà Tiên thì chưa thật sự khám phá hết Hà Tiên.  Ai chưa từng ngũ hoang dưới ánh trăng Hà Tiên thì chưa thật sự nếm hết cái thi vị của Hà Tiên.  Ai chưa từng hẹn hò dưới trăng Hà Tiên thì chưa thật sự cảm nhận được cái lãng mạn trinh nguyên của trai gái Hà Tiên.  Câu thơ "con đường trăng em bóng nhỏ chờ tôi" của ai đó sáng tác (Mường Mán? Tạ Tỵ?) chỉ có thể thật sự bật lên cung điệu nhiệm mầu trong trái tim của những ai từng trải nghiệm trăng Hà Tiên.  Trăng Hà Tiên không chỉ đẹp vào lúc tròn đầy.  Trăng Hà Tiên còn đẹp luôn cả trong những đêm vào độ tàn phai.  Lúc quá nửa đêm về sáng, trong không gian im ắng, chỉ còn lại tiếng trăn trở của loài sâu, trăng nhợt nhạt như cô gái thức trắng đêm đợi tình quân mà không gặp.  Trong cái lạnh ươn ướt của sương khuya, trong cái thoang thoảng của mùi dạ lý hòa quyện hương đêm, trong cái nhàn nhạt của màu nguyệt bạch, trăng Hà Tiên đẹp như cung tần đang nhỏ lệ khóc chờ ai.  Ai chưa từng bóc bao thuốc lá viết vội vã những vần thơ theo cảm xúc dưới trăng phai Hà Tiên thì chưa thật sự biết có bao nhiêu chất thơ tuôn chảy trong mạch máu của học trò Hà Tiên.  Ai chưa từng ôm đàn thả hồn chơi vơi dưới dưới trăng phai Hà Tiên thì chưa thật sự đếm hết cung bậc trong trái tim của học trò Hà Tiên.  Ai chưa từng để giọt lệ âm thầm lăn dưới trăng phai Hà Tiên thì chưa thật sự thăng hoa trong nỗi nhớ nghìn trùng như học trò Hà Tiên.            

       Trăng Hà Tiên thai nghén và nuôi lớn tâm hồn học trò Hà Tiên.  Bởi vậy, mới thoáng qua thì dường như học trò Hà Tiên khờ khạo quê mùa nhưng thật ra thì học trò Hà Tiên tinh tường hơn người ta tưởng, tinh tế hơn người ta tưởng, tinh khôi hơn người ta tưởng.  Mỗi đứa học trò Hà Tiên là một vầng trăng lưu dấu một vầng trăng.  Học trò Hà Tiên cũng giàu hơn người ta tưởng. Vì học trò Hà Tiên ôm giữ cả một vầng trăng mà không nơi nào có được.  Trăng Hà Tiên.

 

 

U HƯƠNG

Nhớ về trăng Hà Tiên thì không thể không nhớ đến chị Phượng.  Tôi không biết quê chị ở đâu. Tôi không biết họ của chị là gì.  Tôi chỉ biết chị từ nơi khác đến Hà Tiên và làm việc tại chi Thông Tin Văn Hóa.  Chị thường đi sát với cô Chín.  Chị chơi thân với anh Mạnh Thường, với Hiếu và các bạn trong nhóm văn nghệ do anh Mạnh Thường hướng dẫn.  Chị cũng tham gia hoạt động cùng với thanh niên Hồng Thập Tự cho nên cũng chơi thân với các bạn trong tổ chức, trong đó có tôi.  Chị không học ở Trung Học Hà Tiên nhưng khá nhiều bạn trẻ của Trung Học Hà Tiên xưa chơi thân với chị.  Chị lớn tuổi hơn tôi, không biết là lớn hơn tôi bao nhiêu, và chị đã từng kết hôn.  Chị Phượng nói chung là đẹp và cuốn hút, trong trí nhớ của tôi.

       Tôi có thói quen đi chơi đến rất khuya mới mò về nhà, thường là đến quá nửa đêm.  Có một lần, trên đường về, tôi vô tình nhìn thấy chị ở nhà cô Chín.  Chị ngồi trên bồn chứa nước sau nhà, hai tay ôm lấy gối và đang ngước mắt nhìn trăng.  Là một đêm trăng nhạt, trăng Hà Tiên.  Lúc đó đã quá hai giờ sáng. Tôi men theo hàng rào tiến về phía chị, định đùa với chị.  Khi tôi đến đủ gần thì thấy trên gương mặt chị đang ướt hai dòng nước mắt.  Dầu ánh trăng không sáng lắm nhưng nhờ sự phản chiếu nên thấy nước mắt chị ánh lên loang loáng. Tôi im lặng đứng nhìn chị.  Và khoảnh khắc đó, sao mà chị đẹp đến não nùng.  Như u hương tỏa ra làm tê cóng cả hư không.  Rồi tôi đã lặng lẽ về nhà mang đàn ra ngồi trước sân viết nhạc suốt đêm, để tặng chị, bài U Hương.

 

"Chờ ai, ai ngồi khóc, làm hoa lay âm thầm, làm sâu đêm trăn trở bên thềm lạnh màu trăng phai?  Giọt nước mắt ai trong đêm u hoài, hay là giọt lệ cung tần trong đêm nguyệt tận từ nghìn năm xưa khóc hồ gương tan?  Giọt nước mắt ai rớt vỡ trên bàn tay, vang dây tơ nguyệt cầm, vang dây tơ độc huyền, khóc tình duyên trăn trối?  Ôi, xanh xao muộn phiền như bao lời nguyền ai nhớ ai!
       Chờ ai, ai ngồi khóc, đợi thời gian mang người về?  Người quên hay xa lạc?  Xót xa chờ trăm năm!  Giọt nước mắt ai trong đêm u hoài, hay là giọt lệ cung tần trong đêm nguyệt tận từ nghìn năm xưa khóc hồ gương tan?  Giọt nước mắt ai rớt vỡ trên bàn tay, vang dây tơ nguyệt cầm, vang dây tơ độc huyền khóc tình duyên trăn trối?  Ôi, xanh xao muộn phiền như bao lời nguyền ai nhớ ai!   
       Chờ ai, ai ngồi khóc, đợi tình quân theo mộng về?  Tình quân đi không hẹn, chắt chiu chờ chi nhau! Giọt nước mắt ai trong đêm u hoài,  hay là giọt lệ cung tần trong đêm nguyệt tận từ nghìn năm xưa khóc hồ gương tan?  Giọt nước mắt ai rớt vỡ trên bàn tay, vang dây tơ nguyệt cầm, vang dây tơ độc huyền khóc tình duyên trăn trối?  Ôi, xanh xao muộn phiền như bao lời nguyền ai nhớ ai!"

 

      Chị không biết là tôi đã tình cờ nhìn lén chị vào đêm đó.  Tôi cũng chưa bao giờ nói với chị là tôi đã nhìn thấy chị khóc vào đêm đó.  Bài nhạc tôi viết cũng chưa bao giờ có cơ hội tặng chị.  Và vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội tặng chị. Bởi vì, chị đã từ bỏ cuộc chơi.  Chỉ vài tháng sau đêm đó.  Tôi nghe nói chị đã dùng ống tiêm tự bơm không khí vào mạch máu. Chị Phượng đã bỏ đi từ lâu nhưng u hương của đêm nào vẫn còn đọng lại. Vẫn đủ sức làm tê cóng cả hư không mỗi khi tôi nghĩ đến.  

 

 

GƯƠNG HỒ NÚI MỘNG

Nói đến trăng Hà Tiên mà không nói đến nữ sĩ Mộng Tuyết và thi sĩ Đông Hồ là một thiếu sót lớn.  Hai người là Thái Sơn Bắc Đẩu của thập niên 1930-1940 trong nền văn học Việt.  Cùng với hai tài danh khác là nhà văn Lư Khê và nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh. Người ta đã tôn xưng họ là Hà Tiên Tứ Tuyệt.  Cả bốn người họ đều sinh ra và lớn lên ở Hà Tiên, một xứ sở nghèo nàn nơi biên địa, nhưng mộng hồn thơ văn của họ cao muôn trượng chẳng nhường ai.  Nhận xét về Mộng Tuyết, Đoàn Lê Giang đã viết:

 

"Tôi nghĩ là sẽ không quá lời khi khẳng định: Mộng Tuyết là thi sĩ tài hoa nhất, có bản sắc nhất trong nhóm Hà Tiên, và là nữ thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới toàn quốc." (Văn Học Nam Bộ, 32-45, Cái Nhìn Toàn Cảnh). 

 

      Trong bài Hai Cuộc Tình Thơ Nơi Cõi Mộng Hà Tiên, Vương Tân đã viết:

 

"[C]ái tên Mộng Tuyết được bay bổng với những vần thơ đầy lãng mạn và tạo nên một hiện tượng thơ ca vào những năm cuối của thập kỷ 30. Ngày đó tác giả thơ nữ hiếm lắm, tiếng thơ của Mộng Tuyết vang rộng đến nỗi tạo nên dư luận, người ta còn đồn thổi, đây là một trang nam nhi đóng giả gái, chứ nữ nhi thường tình sao làm thơ hay đến thế."
 
“Trăng chảy ngập đường đi thuở ấy
Để người soi bóng bước song song
Rồi trăng từ đó tương tư bóng
Chảy ngập đường đi khắp nẻo lòng
(Trăng Tương Tư - Mộng Tuyết)
 
Sực nhớ . . . 
Ta cùng ai thong dong dưới nguyệt
Khẽ dang tay người ngọc thẩn thơ
Hồ Đông một vũng nông sờ
Non Bình một dải tờ mờ ngọn cao
Em mới hỏi: “Trăng sao sáng tỏ?”
Anh bảo rằng: ‘Trăng có đôi ta’
Bây giờ em đã cách xa,
Vầng trăng xưa vẫn chưa nhoà bóng gương.”
(Nhớ Rằm Tháng Hai - Đông Hồ)

      

      Trăng Hà Tiên là như vậy đó.  Đâu phải chỉ có thế hệ của tôi hay những thế hệ sau này được trăng Hà Tiên thai nghén và nuôi dưỡng.  Rõ ràng là những thế hệ trước của Hà Tiên cũng đã từng như vậy.  Họ chính là vầng trăng lưu giữ một vầng trăng mà tỏa sáng trên văn đàn thuở ấy. Và có lẽ, sẽ tỏa sáng đến ngàn sau. 

  

 

TRĂNG HÀ TIÊN - TRĂNG HÀ NỘI

Năm 1969, chính xác là ngày 25 tháng 3, Đông Hồ gục chết ngay trên bục giảng của trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn sau khi đọc xong bài thơ của nữ sĩ Ngân Giang.  Vì nhân duyên này, nên khi nói tới thi sĩ Đông Hồ thì không thể không nói tới bài thơ Trưng Nữ Vương.   

 

“Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng ánh sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
Cờ tang điểm trống nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...”
(Ngân Giang, Tiếng Vọng Sông Ngân, Hà Nội, 1939)

 

Trăng Hà Nội là như vậy đó. "Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi".  Tôi không biết là thi sĩ Đông Hồ đã nghĩ về trăng Hà Nội như thế nào khi đọc những dòng thơ trên của nữ sĩ Ngân Giang và đã nghĩ gì khi nhớ về trăng Hà Tiên?  Nhưng có một điều chắc mẩm là vầng trăng Hà Nội đã làm cho vầng trăng Hà Tiên đột tử vào ngày định mệnh đó.  Tôi rất thích bài thơ này của Ngân Giang nhưng nói thiệt tình là tôi không muốn lưu giữ vầng trăng Hà Nội trong tâm khảm vì nó tang tóc quá, nó lạnh quá, nó vô tình quá.  Tôi chỉ muốn lưu giữ một vầng trăng duy nhất, trăng Hà Tiên.  Mặc kệ cho:

 

“Vũ trụ mang mang trời đất
Thời gian dằng dặc đêm ngày
Một thoáng cổ kim chớp mắt
Nghìn thu dâu bể trao tay."
(Mộng Tuyết - khắc trên bia mộ Đông Hồ)

 

MAY LÀ CHƯA THÔI HỌC … BÁN VÉ SỐ

Tôi chỉ học ở trường tiểu học Hà Tiên được có một năm thôi, là năm học lớp Năm (tức lớp 1 bây giờ) do Thầy Sự dạy, sau đó thì chuyển về trường tiểu học tỉnh Cần Thơ.  Một năm sau lại chuyển về trường tiểu học tỉnh Rạch Giá.  Rồi vài năm sau lại chuyển từ Rạch Giá về trường Trung Học Hà Tiên vào đầu năm học đệ lục (lớp 6). 

       Những năm tiểu học của tôi là một cơn ác mộng dài dằng dặc.  Không, không phải là ác mộng của bản thân tôi mà là của ba má tôi, vì có một quí tử như tôi.  Suốt những năm này thành tích của tôi có thể gom gọn trong năm chữ: học dốt lại du côn.  Tôi chuyên môn đội sổ.  Tôi lười học đến độ mỗi ngày cô giáo phụ trách lớp vừa bước vào cửa là đã hét lên "Hưng đâu, lên đây trả bài".  Thế là tôi bị bắt quỳ trên bục giảng cả tiếng đồng hồ.  Cô giáo thừa biết là tôi khá thông minh, nếu để cho tôi có đủ một chút thời gian thôi, thí dụ như đợi đến sau khi điểm danh xong, thì tôi sẽ thuộc bài ngay tại lớp và như vậy thì cô giáo sẽ mất cơ hội hành hạ đứa học trò mà cô muốn cứu rỗi.  Về tài quậy phá thì tôi nổi tiếng khắp cả Vĩnh Thanh Vân.  Nói tới Hưng xoáy ngựa là tụi bạn học ở Rạch Giá sẽ ớn lạnh ngay. Nhờ có khiếu đánh nhau mà tôi có không ít kẻ thù.  Tụi nó thù tôi đến độ có lần cả bọn hè nhau đè tôi ra giữa sân trường rồi banh hai con mắt ốc bu của tôi ra phơi dưới trời nắng trưa để trừng phạt.  May là chưa bị mặt trời làm cho mù. Tóm lại, tôi quậy phá và đánh nhau gần như mỗi ngày và bị bắt ngồi ở bàn đầu mỗi tháng, không sót tháng nào, từ năm này sang năm khác (lúc xưa đứa nào đội sổ thì bị bắt ngồi ở bàn đầu gần thầy).  Cũng may là ba tôi rất coi trọng việc học của con cái cho nên vẫn kiên trì bắt tôi tới trường chứ không cho tôi thôi học . . . “bán vé số” (nói vậy thôi chứ thời tôi còn nhỏ đâu ai cho con mình nghĩ học bán vé số).  Nhờ vậy mà tôi cứ khập khiển bò lên tới bậc trung học.  

       Trong năm đầu của trung học, một sự kiện rất ấn tượng đã xảy ra và nhờ đó mà tôi đã trở nên gắn bó hơn với những con chữ.  Vào một ngày đẹp trời, lúc đó đã vào khóa học được hai tháng hơn, tôi lon ton đi theo một đám bạn gái cùng lớp và đã bị cả đám con gái này rộ lên cười chọc quê sau khi chúng nó thúc cùi chỏ vào hông nhau và buông ra mấy lời xỏ xiên "con bò xoáy ngựa đi theo mình kìa tụi bây" cố ý cho tôi nghe.  Đúng là đám con gái cà chớn.  Mà con bò thì làm gì có xoáy ngựa?  Có nói lộn không vậy?  Nhưng ví mình là con bò thì thiệt là quá đáng.  Lòng tự ái và tự trọng của "Hưng xoáy ngựa", một đấng nam nhi đại trượng phu, bị xúc xiểm nặng. Thế là tôi bắt đầu hành trình luyện công để chứng minh cho mấy em gái thấy là Hưng xoáy ngựa này không phải là "con bò" như các em đã công khai mạ lỵ.  Tôi cắm cúi học.  Ngoài việc học ở trường, làm bài tập ở nhà, tôi còn đọc thêm sách, đọc rất nhiều sách, sách Ta sách Tàu lẫn sách Tây (đã chuyễn ngữ).  Mới đầu tôi đọc sách trong thời gian nhàn rỗi để không nghĩ đến chuyện đi chơi.  Một thời gian sau thì tôi đâm ra ghiền sách.  Tôi mê đọc sách đến độ không có đủ tiền mua sách tôi phải đến những quầy bán báo và tiệm bán sách xếp dọn sách báo cho người ta để được đọc ké.  Đọc ngày lẫn đêm.  Đọc đến độ bị ba má tôi cằn nhằn vì thức quá khuya.  Bị la thì bị la tôi vẫn cứ mài miệt đọc, vẫn là quá nửa đêm nhưng phải chui vào mền bật đèn pin để đọc.  Kết quả là đến cuối khóa học thì tôi đoạt được phần thưởng giỏi nhất trường của sáu lớp đệ lục và năm sau nửa. Phần thưởng nhiều đến độ phải có tới hai chiếc xe xích lô để chở về nhà.  Dĩ nhiên là tôi cũng trở nên ngoan hiền đột xuất.  Như vậy, có thể nói mà không sợ lầm lẫn, là tôi đã được đám con gái "khai quang điểm nhãn" vào năm đầu của trung học và nhờ sự kiện đó mà tôi trở thành một đứa học trò không tệ.  Dĩ nhiên là đám con gái đó sau này đều trở thành bạn thân và tôn tôi là nam thần của họ (chỉ là nói đùa cho vui thôi).  Tôi chuyển về trường trung học Hà Tiên với hành trang rất hách đó.

 

 

VỊ THẦY ĐẦU ĐỜI CỦA TÔI

Chuyển về học ở Hà Tiên người thầy mà tôi nghĩ đến đầu tiên và sợ gặp mặt nhất là Thầy Sự, ông thầy đầu đời của tôi, dầu rằng lúc này tôi đã vào lớp đệ lục.  Thú thật là đến giờ tôi không còn nhớ nổi gương mặt của Thầy.  Nhưng tôi còn nhớ sự tận tụy và thương yêu của Thầy đã dành cho tất cả học trò của mình.  Tôi còn nhớ những lần hai bàn tay mình đỏ tấy lên vì bị Thầy đánh bằng cây thước kẻ, tuy đau lắm nhưng vẫn thương Thầy.  Tôi còn nhớ những lần sau khi ăn thước no nê còn phải đứng bên Thầy nài nỉ ỉ ôi xin Thầy đừng méc với ba má về việc sai quấy mình đã làm vì sợ sẽ bị ba má đánh thêm. Giận Thầy ghê lúc đó nhưng mà vẫn thương Thầy. Tôi còn nhớ những lần khệ nệ bưng chồng sách bài tập của học trò nộp lên để chấm điểm đi theo về nhà Thầy để rồi nhận được mấy viên kẹo và cái xoa đầu khen thưởng làm tôi rất hãnh diện vì được Thầy chọn làm chú tiểu theo hầu sư phụ ngày hôm đó. Tôi còn nhớ là mình cũng đã từng ngắm nhìn rất lâu mái tóc bạc mầu dường như đã mệt mỏi theo tháng năm làm nghề độ trẻ qua sông của Thầy mà rưng rưng nước mắt.  Lúc đó, với trái tim vô nhiễm của một đứa trẻ con, tôi thấy thương Thầy của tôi vô hạn.

       Thương Thầy thì có thương, nhưng phá phách thì vẫn phá phách.  Nếu không phá phách thì không phải là Hưng xoáy ngựa.  Có một hôm Thầy bảo tôi bưng một chồng sách về nhà cho Thầy.  Khi đi ngang qua phòng khách nhà Thầy, tôi nhìn thấy ở đó có một chậu cá cảnh.  Chắc là Thầy mới mua hoặc là ai đó mới cho.  Tôi kết mấy con cá cảnh của Thầy nên quyết định sẽ mượn vài con về nuôi.  Tôi tức khắc lên kế hoạch vận chuyển chúng về nhà một cách an toàn mà quỷ sẽ không biết thần sẽ không hay.  Thế rồi thừa lúc Thầy bận rửa tay ở nhà sau, tôi nhanh nhẩu nói to "thưa thầy con đi về" rồi te te ra ngoài phòng khách, không chờ nhận kẹo và được xoa đầu như mọi khi, thuận tay vớt luôn hai con cá lia thia bỏ vào miệng với một ngụm nước sau đó nhanh chóng lau hai tay vào chiếc quần cụt đen đang mặc để phi tang dấu tích phạm tội. Tưởng đâu mình là thiên tài kế hoạch và hành động nhưng không ngờ là Thầy đã đánh hơi sự bất thường.  "Con làm gì đó Hưng?" tiếng Thầy hỏi ngay sát sau lưng làm tôi giật thót người.  "Dạ con thấy cá đẹp nên đứng ngó thôi hỏng làm gì hết á, thưa thầy" tôi trả lời và quay lại nhìn Thầy với nụ cười thật tươi, dĩ nhiên là nụ cười giả tạo.  Thầy nói "được rồi, thầy cảm ơn con giúp thầy, thôi con về đi".  Tôi vòng tay nói "thưa thầy con về" rồi dong thẳng một mạch.  Thế là tôi thoát nạn. Hú hồn. Chỉ tội nghiệp hai con con cá vô tội bị chôn sống trong bao tử tôi một cách tức tưởi.  Giờ nghĩ lại tôi dám chắc là Thầy đã nhìn theo rồi mỉm cười độ lượng.  Cảm ơn Thầy.  Con còn nợ Thầy hai con cá lia thia.

 

 

CHỈ VÌ MƯA THÔI MÀ

Tất cả các bạn học của tôi ở trường Trung Học Hà Tiên đều là bạn thân thương nhưng trong số bạn nam cùng lớp thì tôi đi chơi nhiều hơn với Thánh, Dương, Kiệt.  Còn trong số bạn nữ thì tôi đặc biệt gần gũi với Như Liên.  Anh Kiệt, người anh trai của Như Liên, thì học chung với anh Mãnh.  Còn Như Liên thì thường đi chơi chung với chị Điệp và chị Loan.  Nhà của Như Liên ở ngay ngã tư.  Mẹ của Như Liên là một thợ may áo dài khéo tay nên Như Liên lúc nào cũng có những chiếc áo dài trắng rất đẹp. Như Liên có một vóc dáng thanh thoát và mái tóc dài óng mượt xõa ngang lưng.  Với những chiếc áo dài tha thướt hở eo của mẹ tự tay may cho, Như Liên vốn đã đẹp càng thêm đẹp.  Đặc biệt hơn hết là Như Liên có giọng nói của con gái Bắc thật dễ thương.  Tóm lại là tôi có một người bạn nữ tuyệt vời, trên cả tuyệt vời. 

       Chúng tôi chỉ là bạn.  Cũng không hẳn đúng như vậy.  Nó vượt xa hơn tình bạn bình thường.  Cũng chẳng biết nó là cái quái gì.  Chỉ biết là mỗi ngày không gặp mặt nhau thì thấy có cái gì đó thật trống vắng, thấy "nhớ người rưng rưng".   Nhưng hai đứa không phải là tình nhân của nhau. Gặp nhau chỉ để nói chuyện tầm phào.  Cả hai đứa hay nói với nhau "hai đứa mình là bạn thân của nhau há".  Ừ, thì là bạn thân của nhau có sao đâu.  

       Tôi và Như Liên có một kỷ niệm khó quên.  Vào một ngày của năm học lớp đệ tứ (lớp 9) hai đứa rủ nhau bỏ học đi hoang.  Đó là một ngày mưa.  Mưa thật nhiều nhưng trời không lạnh.  Hai đứa trùm chung một chiếc áo mưa rồi khoác vai nhau đi lang thang hết con đường này sang con đường khác.  Vừa đi vừa nghêu ngao đọc thơ, lan man từ bài thơ của tác giả này tới bài thơ của tác giả khác.  Có lúc hai đứa hợp ca tân nhạc.  Có lúc rống lên ca vọng cổ.  Có lúc bóng gió trêu nhau. Có lúc ăn chung một trái cóc ngâm cam thảo.  Nói chung là hứng gì làm nấy. 

       Rồi chuyện đáng nhớ xảy ra.  Lúc hai đứa đang đi trên con đường từ nhà anh Mạnh Thường hướng về phía bờ sông thì đột nhiên ba của tôi xuất hiện, từ ngã ba góc quán nem nướng của cô Năm Lèo nằm gần bờ sông, và đang di chuyển về phía chúng tôi.  Ông đạp chiếc xe đòn dông cọc cạch trong mưa, người ướt sũng nước. Tôi cúi người xuống và kéo áo mưa che thấp hơn một chút với hy vọng là ông không nhìn ra hai đứa tôi.  Như Liên ôm ngang hông tôi rù rì bên lỗ tai "Bác Năm thấy thì chết".  Thiệt tình là tôi cũng hơi run và lo hai đứa sẽ bị tóm tại trận.  Tôi cố ép Như Liên đi sát vào lề đường để tránh chạm mặt với ba tôi.  Nhưng điều bất ngờ là khi xe ba tôi vừa tới gần, cách chừng vài bước chân, thì Như Liên lại thò đầu ra và hét lên "Bác Năm ơi tụi con nè".  Theo phản ứng tự nhiên, tôi xoay người một tay ôm eo Như Liên kéo sát vào mình còn tay kia đưa lên bịt miệng.  Nhưng đã trễ.  Ba tôi đã thắng xe và đã nhìn thấy chúng tôi.  Tệ hại hơn là chiếc áo mưa đã tuột xuống đất nên ông nhìn thấy hai đứa tôi vào khoảnh khắc đó y như là đang ôm nhau xà nẹo làm trò khỉ dưới mưa.  Mưa rơi như trút nước.  Chỉ một khoảnh khắc thôi là hai đứa đã ướt sũng.  Một khoảnh khắc thôi mà dài như thiên thu.  Tôi ước gì mình là gã Thổ Hành Tôn trong chuyện Phong Thần có phép chui xuống đất để trốn khỏi hiện trường.  Thú thật là tôi có hơi mất bình tỉnh nhưng Như Liên thì không. Cô ả cười ngặt ngẽo trong vòng tay tôi, coi chuyện đùa quá trớn này như pha.  Từ phía lề bên kia đường ba tôi to tiếng hỏi "hai đứa bây làm gì đó?"  Ổng hỏi vậy là có ý gì vậy trời, tôi nghĩ thầm trong đầu.  Rồi chợt nhớ ra là mình vẫn còn đang ôm eo Như Liên, tôi hoảng hồn rụt tay lại dấu sau lưng mình, miệng lí nhí không ăn nhập đâu vào đâu, "dạ chỉ vì mưa thôi mà".  Trời đất ngó xuống mà coi, tôi đã trút tội lên ông Trời.  Chắc chắn là ba tôi chẳng nghe được tôi đã nói cái gì.  Thay vì đứng xê ra một chút thì Như Liên lại vòng ra phía sau lưng tôi, hai tay ôm chặt lấy eo tôi, mặt kề vào lưng tôi, giống như là đang chơi cút bắt với ba tôi, rồi hét to như muốn át cả tiếng mưa "Bác Năm ơi, Hưng rủ con trốn học đi lang thang trong mưa để làm thơ đó".  Hét xong cô ả lại cười ngặt nghẽo.  Không biết ba tôi đã thấy gì qua đôi mắt của ông và nghĩ gì trong cái đầu của ông.  Ông nói cái gì đó tôi không nghe rõ, nhưng cảm nhận là ông đang gầm gừ "đưa Như Liên về nhà nó nhanh lên!" (nếu bạn chưa biết thì xin giới thiệu ba tôi là ông Năm Dần, còn có biệt danh là ông Năm Cọp, cho nên ổng thích gầm gừ).  Ba đạp chiếc xe cọc cạch đi thẳng một mạch chẳng thèm ngoái lại.  Tôi đứng như trời trồng, lo rằng mình sẽ bị nện một trận nên thân khi về tới nhà, còn Như Liên thì đang lui cui cuối xuống lượm áo mưa trùm lên hai đứa.  Em cười rút rít nói nhỏ vào tai tôi chọc ghẹo "chỉ vì mưa thôi mà".  Nâng cái áo mưa cho cao hơn đầu một chút, tôi xoay người đối mặt với Như Liên, định gây với ả về cái nết bốc đồng, nhưng đã kịp giữ lại lời nói.  Bởi vì, bên trong chiếc áo mưa trùm lên hai đứa đứng thật gần nhau, tôi đã thấy đôi mắt tròn xoe của Như Liên nhìn tôi, nghịch ngợm và . . . che dấu.  Che dấu một cái gì đó, dường như là cảm xúc ngọt ngào.  Một lúc lâu cả hai đứa đều im lặng nhìn nhau, thật sâu, sâu tới tận đáy hồn.  Rồi từ từ tôi nghe rõ tiếng đập trong lồng ngực của em.  Rồi từ từ tôi nghe tiếng thở dường như là đứt quãng của em.  Rồi từ từ tôi nhận ra vùng ngực no tròn của em đang phập phồng bên sau lớp vải sũng nước.  Đột nhiên tôi nhận ra là Như Liên đã trưởng thành hơn tôi rất nhiều.  Đột nhiên tôi nhận ra em quyến rũ hơn cả Ma Đăng Dà.  Đột nhiên tôi nhận ra mình run như tôn giả A Nan đứng trước ma nữ.  Đột nhiên tôi nghe tim mình đâp loạn nhịp và tiếng thở cũng đứt quãng.  Đột nhiên tôi lấy hết can đảm đặt cả hai bàn tay lên đôi vai nhỏ của em và bóp nhẹ.  Đúng vậy, phải lấy hết can đảm, dầu rằng trước đây tôi đã cùng em khoác vai nhau rất nhiều lần và trước đây chỉ mấy phút thôi tôi đã ôm eo em một cách . . . rất đàn ông, như gã tài tử trong bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió, chỉ là còn thiếu cái hôn thôi.  Thiệt tình là trong khoảnh khắc đó tôi rất muốn ghì em thật chặt vào vòng tay của mình và hôn em thật say.  Nhưng mà chẳng dám.  Chỉ vì tôi sợ rằng nếu táo tợn vượt qua một giới hạn mong manh thì tức khắc sẽ làm vỡ mất một tình bạn trong suốt như pha lê.  Tôi không có thần chú Thủ Lăng Nghiêm để chống lại cám dỗ.  Nhưng tôi đã, chỉ vì tôi trân trọng tình bạn trong suốt như pha lê đó.   Ừ, chỉ vì mưa thôi mà.  Tôi lập lại lời em và buông tay.  Đột nhiên tôi bước ra khỏi chiếc áo mưa trùm lên hai đứa, dang rộng hai tay và ngửa mặt lên trời để cảm nhận những giọt mưa rơi rát mặt.  Đột nhiên tôi lao về phía trước và hét to trong mưa "chỉ vì mưa thôi mà".   Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà.  Tất cả đều đột nhiên.  Ngoại trừ cái đột nhiên sau cùng là sự đột nhiên cố tình để giành lại tự chủ của một gã con trai vừa mới lớn.  Ừ, chỉ vì mưa thôi mà.  Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà.

 

 

NGƯỜI THẦY DẠY TÔI GIÁ TRỊ PHẢN BIỆN

Tôi gặp lại Thầy Trương Minh Hiển lần thứ nhì vào năm 2007 tại TP.HCM.  Lúc đó thầy đang dạy ở Đại Học Văn Lang.  Thầy trò đã kéo nhau vào Bình Quới ăn trưa và tâm sự suốt mấy tiếng đồng hồ rồi sau đó kéo về căn chung cư chật hẹp của thầy ở Quận 4.  Tại đây Thầy Hiển trao cho tôi ba quyển sách: cuốn tiểu thuyết huyền sử Bà Chúa Xứ do Thầy Hiển sáng tác, cuốn Địa Đàng ở Phương Đông của Dr. Oppenheimer do Thầy Hiển dịch bản nháp bìa đóng bằng giấy thùng cạt tông, và cuốn Việt Điện U Linh Tập đã ngã màu.  Nhờ lần gặp nhau đó mà tôi mới biết được tôi với Thầy có một tương thích là đang nghiên cứu về cội nguồn đích thực của dân tộc.  Đó là lần sau cùng tôi gặp Thầy và vĩnh viễn không còn một cơ hội nào nữa. 

       Lúc xưa Thầy Hiển rất năng động và thích chính trường.  Tôi nhớ là đám học sinh Trung Học Hà Tiên  của chúng tôi đã từng đi khắp Hà Tiên vận động tranh cử cho Thầy Hiển.  Nhưng giấc mơ trở thành một nghị viên dân cử đã không thành.  Hình như lúc đó là Thầy đã có khuynh hướng thiên tả, ít nhất là một thời.  Thiên tả, thiên hữu hay chả thiên bên nào cũng chẳng thay đổi gì cả vì một khi đã là Thầy của tôi thì vẫn là Thầy của tôi.  Hơn nữa, dầu rằng có chính kiến riêng, tôi vẫn có thể thản nhiên dung nạp mọi dị biệt vì tin rằng một xã hội trưởng thành là một xã hội phải có được sự tự do phản biện và tự do theo đuổi điều mình tin tưởng.  Áp đặt tư duy sẽ bóp chết sự phát triển lành mạnh của cá nhân cũng như của xã hội.  Và người đã giúp khai phóng khả năng và giúp tôi tin vào giá trị của sự tự do phản biện không ai khác hơn là Thầy Trương Minh Hiển.

       Tôi học quốc văn với Thầy Hiển vào năm đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ.  Ngoài việc giúp học trò chúng tôi tiếp thu kiến thức căn bản chiếu theo giáo án ấn định, Thầy Hiển còn bỏ nhiều thời gian dạy chúng tôi làm thơ, viết văn, phân tích, tổng hợp, lý luận, phản biện, phỏng vấn, khảo sát thực địa, thí dụ như Thầy đã từng đưa chúng tôi đến nhà ông Năm Bùn là một nhân vật trong truyện Cánh Buồm Đen của của Sơn Nam để phỏng vấn hoặc là đến nhà của thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết đã từng cư ngụ để tìm lại dấu vết xưa.  Ngay cả việc nhờ học trò chúng tôi đi vận động tranh cử, tuy thực sự là cần chúng tôi giúp đỡ nhưng đồng thời cũng là một phương pháp đào tạo của Thầy qua hoạt động thực tiễn cho đám học trò của mình.  Nếu chưa nhìn ra điều này thì chưa thực sự hiểu Thầy.  Những kinh nghiệm như vậy, cũng là những kỷ niệm không quên, là món quà vô giá mà Thầy Hiển đã trao tặng cho chúng tôi năm xưa. 
       Nhìn lại, tôi thật sự khâm phục Thầy Hiển và phải tự nhận là sở dĩ tôi có được khả năng cầm bút ngày hôm nay một phần lớn là do Thầy Hiển đã bỏ công sức uốn nắn lúc trước.  Cảm ơn Thầy, vị thầy kính yêu của con. Cảm ơn mớ hành trang vô giá mà Thầy đã trao tặng mỗi đứa để giúp chúng con bước xuống cuộc đời một cách đầy tự tin và dùng năng lực đó để làm ấm những mảnh đời chung quanh. 

 

 

BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI

Cụm chữ "bước xuống cuộc đời" làm cho tôi nghĩ tới một người.  Một ngày của năm nào đó trong quá khứ, ba đứa chúng tôi đã bước ra khỏi cửa nhà của Dõng Mãnh để đi vòng vòng như mọi ngày.  "Theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say, theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau, cho em . . ."  Mãnh vừa đi vừa huýt gió một đoạn trong bản tình ca Vũng Lầy Của Chúng Ta mà chúng tôi rất ưa thích thời đó.  Một đứa trong chúng tôi bước xuống lề và vô ý giẫm mạnh lên vũng nước mưa còn đọng lại trên mặt đường làm nước dơ văng trúng quần chúng tôi.  Anh Dõng đã khựng lại nhìn xuống chỗ dính dơ trên quần của mình rồi lầm bầm trong miệng "tại sao là bước xuống cuộc đời mà không là bước vào cuộc đời hay bước lên cuộc đời?"  Đúng là ngớ ngẩn.  Chẳng ăn nhập gì với vũng nước và cái quần bị làm dơ.  Nhưng lại là thứ ngớ ngẩn bất chợt lóe lên trong tâm thức của một triết gia ở khoảnh khắc của một hiện tượng phát sinh và biến mất mà chỉ có hắn mới bắt kịp, kéo nó lại và treo nó lơ lửng, như bắt lấy một frame của video, và khám phá diện mạo rất mới của một hình ảnh cũ mèm nhạt nhẽo.  Đó là anh bạn Dõng của tôi mà tôi biết.  Và cái ngớ ngẩn thoát ra từ cửa miệng của anh ấy, dầu rất khẽ, đã bám theo tôi cho tới ngày hôm nay.  Thú thật tôi vẫn chưa có câu trả lời là mình đã bước xuống cuộc đời, bước vào cuộc đời hay bước lên cuộc đời.  Anh có câu trả lời chưa vậy Dõng?  

       Dõng và Mãnh tuy là hai anh em ruột nhưng bản chất hoàn toàn trái ngược. Anh Mãnh là mẫu người sống động, hào nhoáng, trẻ trung, thích vui, đam mê âm nhạc và có thiên khiếu chơi đàn guitar.  Còn anh Dõng là mẫu người trầm lặng, sống nhiều với nội tâm, ăn nói nhỏ nhẹ, thích triết học, có khả năng tư duy cao, giỏi toán, rất mẫn cảm nhưng khéo che dấu cảm xúc và chỉ khi nào anh uống rượu thật say thì mới để lộ, không thích đấu khẩu tào lao nhưng khi cần tranh luận thì luôn tranh luận cho vị thế ngược với chỗ đứng của anh để giúp anh củng cố thêm cho chỗ đứng của mình.  Có lẽ vì vậy mà chưa bao giờ thấy anh nổi giận với ai.  Người ta càng công kích mạnh mẽ chỗ đứng A của anh đưa ra thì anh càng cười khoái chí vì trong bụng anh biết rõ là anh không tin vào chỗ đứng A nên mượn người đối diện giúp anh phản biện để anh có cơ hội xác định giá trị của chỗ đứng B, ở đó mới thật là chọn lựa của anh.  Rất thông minh.  Và tôi đã áp dụng kỹ năng này trong vai trò quản trị công ty rất thuần thục.  Trường học không có dạy nó.  Tôi học từ anh Dõng năm xưa khi tôi có dịp quan sát anh tranh luận với các bạn khác. Cảm ơn món quà của anh nhé Dõng, anh bạn thân quí của tôi.

        Anh Dõng ít khi đi chơi riêng với tôi.  Anh không có nhiều thì giờ để đi chơi vì bận học vã lại anh cũng không mấy thích lang thang cả ngày như tôi.  Trong những lần hiếm hoi cùng nhau ngồi uống cà phê hay trà đá ở quán cô Năm Lèo hoặc ở quán của các thương phế binh gần bờ sông thì hai anh em chúng tôi thích tán gẫu về triết học.  Chia sẽ với nhau suy nghĩ của mình về những tác phẩm lớn của một thời như Đôi Bạn Chân Tình của nhà văn Thụy Sĩ gốc Đức Hermann Karl Hesse, Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, Kẻ Xa Lạ của triết gia Pháp Albert Camus, Buồn Ơi Chào Mi của nhà văn Pháp Francoise Sagan, Ngư Ông Và Biển Cả của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, vân vân và vân vân.  Chẳng biết lúc đó chúng tôi lĩnh hội được bao nhiêu, phê bình đúng hay sai, và sự hiểu biết có phủ đầy lá mít hay không nhưng một điều chắc chắn là lúc đó tôi rất nể ông anh triết-gia-trong-bản-chất tên Trần Văn Dõng của trường Trung Học Hà Tiên xưa.

 

 

BỐN CHÀNG NGỰ LÂM PHÁO THỦ CỦA HÀ TIÊN

Kiệt, Thánh, Dương và tôi học cùng lớp.  Bốn đứa chơi chung với nhau rất thân.  Chúng tôi thường kéo nhau lên ngồi dưới gốc cây da chùa Lò Gạch đấu khẩu về chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, có khi đấu khẩu đến cả tiếng đồng hồ, đến xùi cả bọt mép.  Thường là tôi với Dương đứng về một phía của trận chiến tranh luận còn Kiệt với Thánh ở phía bên kia.  Thời đó chúng tôi đã sớm có những quan tâm đến vấn đề chính trị và xã hội.  Và có lẽ sự chọn lựa hướng đi của tương lai cũng đã định hình từ những ngày đó.  Dầu đấu khẩu có gay gắt đến đâu thì cuối cùng chúng tôi vẫn là một nhóm bạn keo sơn.  Nhiều khi keo sơn quá mức.  Keo sơn đến độ cả bốn đứa đều cùng trồng cây si trước nhà của một giai nhân đất Hà.  Cũng may là chỉ cạnh tranh nhau để giành sự chú ý của người đẹp ở mức độ vừa phải chứ chưa đến nổi phải oán ghét nhau.  Tôi tin rằng tình bạn của chúng tôi chưa bao giờ bị sứt mẻ (có đúng không vậy quí cụ?).  Cho đến ngay cả sau khi Thánh và Kiệt rời trường Trung Học Hà Tiên chuyển về Sài Gòn tiếp tục việc học thì sự gắn bó đó cũng vẫn không thay đổi.  

       Trong bốn đứa có lẽ Thánh là người suy nghĩ sâu sắc và chững chạc hơn cả.  Có lẽ do suy nghĩ quá nhiều và nếm đủ hương vị mật đắng của tình yêu đầu đời quá sớm mà đầu Thánh đã lưa thưa tóc bạc từ khi còn đi học.  Thánh có thói quen chỉ ngón tay cái lên trời hoặc xòe ngửa cả bàn tay ra phía trước lắc lắc lúc lý luận. Khi suy nghĩ lung lắm thì hay dùng ngón tay giữa gãy trên đỉnh đầu.  Còn lúc bối rối hay muốn che dấu cảm xúc thì dùng một ngón tay của bàn tay trái khều khều chân tóc trước trán.  Sau mấy mươi năm không biết Thánh đã thay đổi quán tánh đó chưa hay vẫn như vậy.  Thánh giỏi toán, giỏi lý luận, đặc biệt là tam đoạn luận, và giỏi cả phản biện. Sau này nhờ Dương nói mà tôi mới biết thêm là Thánh còn có tài làm thơ với bút hiệu là Hoài Nhân. 

 

"Con kênh dài đưa tôi về bến cũ
Nao nao lòng con nước xoáy tâm tư
Đâu những chiều vàng ngồi mơ thi sỹ
Mảnh trăng tan lóng lánh nước Hồ Đông
Thuyền ai đó chơi vơi trôi dưới Nguyệt
Vẳng giọng buồn thương lờ lững hư không."
(Ngày Về -1970)
 
"Anh bước vào đời thơ ngây
Dại dột yêu em nên chết cả đời
Vết thương lần đầu anh mang khó vá
Dẫu nhớ dẫu thương dầu giận dầu hờn
Anh nghĩ tình yêu như thuốc đắng
Khi yêu rồi thuốc đắng khó quên
Hình bóng nào còn mãi trong tim
Thời gian khó xóa bao vết cũ
Hằn lên anh, ôi mãi mãi đời đời!."
(Dấu Tình -1969)

 

Đọc những dòng thơ của Thánh sáng tác từ thời trung học mà thấy lòng mình chơi vơi (và chới với).  Nếu tôi là "người ấy" thì chắc chắn tôi đã ngã gục trước những con chữ có linh hồn của hắn ngay.  Tuy nhiên, có một câu chắc chắn đã bị nàng trừ điểm là câu "dại dột yêu em nên chết cả đời".  Thánh ơi thằng con trai biết yêu sớm là thằng khôn trước tuổi.  Yêu đúng đối tượng đáng yêu và nhờ đó mà mình có thể vắt máu trái tim ra viết những dòng thơ thì rõ là thằng con trai đó cực kỳ thông minh và sáng tạo chứ sao cho là dại dột.  Ngày hôm nay khả năng cảm nhận, nắm lấy và diễn đạt những thứ xuất phát từ trái tim người ta gọi là "emotional intelligence" đó bạn.  Tình yêu đích thực phải là "no return, no refund, no hối hận" nghe bạn.    

       Ngoài tài năng nổi trội, Thánh còn là người hào phóng và hết lòng với bạn.  Có những lần Dương và tôi lang thang ở Sài Gòn phải nhờ đến sự giúp đỡ, Thánh đã không ngần ngại đem cầm cả dây chuyền vàng mẹ cho để cứu trợ nguy bạn bè.  Hiếm có!  Cảm ơn nghe ông bạn.                 

       Kiệt đẹp trai nhất trong bốn đứa lại thông minh.  Thầy Hiển luôn khẳng định như vậy.  Kiệt vui tính và hay làm trò.  Phá phách cũng một cây xanh dzờn.  Bình thường thì có dáng vẽ rất thư sinh nhưng một khi đã nổi nóng thì dám chơi tới bến, bất kể hậu quả.  Da của Kiệt rất trắng.  Mỗi khi da cổ bắt đầu nổi lấm chấm đỏ là lúc Kiệt bắt đầu quạu. Và khi Kiệt đã thiệt quạu thì mặt đỏ gay. Lúc đó phải coi chừng. Sau này Kiệt lên Sài Gòn tiếp tục việc học ở trường Hưng Đạo nằm trên đường Cống Quỳnh rồi vào học kỹ thuật Phú Thọ.  Khỏi cần giới thiệu thì cũng đủ biết Kiệt là một trong những học sinh ưu tú thời đó.  Có vài lần ghé qua thăm Kiệt, hình như là nhà ở trong hẻm Bùi Viện, rồi cùng nhau lội bộ đi qua nhà Thánh.  Bây giờ thì chẳng còn nhớ nhà Thánh nằm ở đường nào.  Chỉ nhớ là có một lần đi ngang qua cầu Ông Lãnh bị chị em ta chọc ghẹo, và họ chỉ nhắm vào Kiệt vì cái tội đẹp trai, đã làm cho Kiệt lúng túng thấy rõ.  Thì ra Trần Tuấn Kiệt không sợ trời không sợ đất lại sợ quí cô nương cầu Ông Lãnh.  Lần sau cùng gặp lại, sau bao nhiêu năm xa cách, Kiệt vẫn là Kiệt "quậy" của năm nào.  Chỉ có điều là tóc đã muối tiêu và hình như có nhiều mỏi mệt.  Duy có một điều không mỏi mệt sau ngần ấy năm là việc nhắc tên của một người.  Còn ai khác nếu không phải là Nàng, giai nhân của đất Hà.               

        Dương với tôi là cặp bài trùng. Tôi gọi má của Dương là Chị Hai từ khi tôi biết Dương.  Má của Dương bảo tôi gọi như thế vì chị gọi ba tôi là Cậu Năm, hình như là bà con xa chi đó.  Tôi ăn ở nhà Dương.  Tôi ngũ ở nhà Dương.  Đôi khi tôi mặc cả quần áo của Dương.  Tôi đã từng nói đùa với Dương là tôi lớn lên nhờ chén cơm phiếu mẫu.  Nhưng nói như vậy là không đúng và không biết quí ân tình của Chị Hai bởi vì phiếu mẫu cho cơm Hàn Tín là bố thí, vã lại tôi không phải là Hàn Tín, còn những bữa cơm của Chị Hai là những bữa cơm trộn cả thương yêu vào đó đối với cả hai đứa tôi chứ không phải bố thí.  Chị Hai rất thương Dương và vì là cặp bài trùng nên Chị Hai cũng coi tôi như con trong nhà.  Nhà Dương có một cái phản gỗ đặt ở phòng khách cạnh cửa sổ.  Trên cái phản gỗ đó tôi đã có không biết bao nhiêu giấc ngũ trưa.  Nói tóm lại, tôi gần gũi với Dương nhiều hơn là gần gũi với anh em ruột của mình. 

       Dương rất trực tính. Ngay trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, Dương vẫn thường xài thanh long đao của Quan Công hoặc cặp búa lớn của Trình Giảo Kim.  Tuy nghe giọng điệu có vẽ táo tợn nhưng Dương lại là một người rất mẫn cảm, yêu thơ văn, có khả năng sáng tác, lại rất thủy chung.  Dương lưu trữ từng sự kiện ở quá khứ của bốn đứa trong bộ nhớ của hắn.  Dương có thể đọc vanh vách từng bài thơ của bạn bè đã sáng tác.  Dương cưu mang từng kỷ niệm trên lưng với tất cả tự hào và với tất cả sự trân trọng.  Nghe đâu Dương cũng rất can đảm trên chiến trường.  May là gãy súng sớm chứ nếu không thì đã leo cao hoặc lên bàn thờ ngồi từ khuya.   

       Dương ví tôi giống như Dương Quá si mê Cô Long nhưng lại cái thiếu thủy chung của gã.  Đúng quá!  Để đáp lại, tôi muốn tặng Dương ba câu, chỉ ba câu thôi, trong bài thơ ngắn của sư Giới Đức Triều Tâm Ảnh.

 

"Dòng sông không chảy hai lần
 Ai hay giọt nước tần ngần không trôi
Luyến lưu là chuyện nực cười"

       

Dương cũng ví tôi như Lệnh Hồ Xung hai đạo hắc bạch đều chơi, chánh tà đều chẳng cần phân biệt.  Đúng luôn!  Dương thường nói "sinh ra Dương là cha mẹ còn hiểu Dương chỉ có một mình Hưng, và ngược lại."  Chẳng sai.  Nhưng riêng góc khuất tâm linh của tôi thì tôi e rằng Dương chưa thật thấy hết.  Có lẽ bây giờ là cơ hội tốt để tôi mở luôn cánh cửa cuối cùng để cho thằng bạn thân nhìn thấy, thông qua những dòng thơ tôi sáng tác hơn 40 năm trước khi hai đứa vẫn còn ngồi chung dưới một mái trường:

     

"Khói cay và cỏ lã
Còn em no bóng tối
Còn anh no hẹn hò
Bây giờ là thời gian xanh đậu môi anh
Bây giờ là thời gian xanh đậu môi em
Còn Ta
Tiếng im từ lòng thẳm
Không có màu thời gian
Bến đậu vô cùng
No xót xa?
No hy vọng?
Gì?

Anh cuối xuống ngực em màu sữa
Tiếng thở em
Và tiếng thở anh
Hòa quyện
Như loài rắn ân cần làm tình trong đêm tối
Ta đến gần
Ôm mặt trời trong tay
Mặt trời lạnh trong tay
Lạnh thủy tinh
Giữ một mình
Nơi miền của miền
Anh im lặng
Em nụ cười ngu ngơ
Ta bỏ đi, lành lạnh
Em nghe không
Tiếng thở dài nơi anh?

Mở con mắt tre gai
Nhìn nhau qua ngục tối
Môi tìm môi âm thầm
Tay tìm tay vòng rắn
Tiếng động nào tháng năm
!"
(Đơn Điệu - 1970)

 

Cánh cửa đã mở xong.  Bên sau cánh cửa vừa mở đó, ai mới là Hưng thật sự? 

       Tuy là đôi bạn chân tình nhưng Govinda đã chọn theo chân đức Phật để trú ngụ dưới cây dù giới hạnh và hưỡng sự an lạc của một đời sống phạm hạnh trong khi Siddhartha thì đã chọn con đường trải nghiệm của bản thân để khám phá chính mình và khám phá sự vận hành của pháp giới.  Và trên hành trình đó Siddhartha đã từng chạm đến mốc tột cùng của những trụy lạc.  Tuy sa đọa đến vậy nhưng tiếng OM linh thiêng vẫn chưa bao giờ rời bỏ tâm thức Siddhartha.  Người chèo đò Vasudeva đã phải chờ ở trên dòng sông cho đến khi Siddartha giác ngộ. (Câu Chuyện Dòng Sông - Hermann Hesse).  Có thấy ra mặt tâm linh của thằng bạn này chưa vậy Dương? 

       Vì tri ân bạn bè cũ chung trường nên hồi tưởng lại cho vui.  Có khi tất cả chỉ là hư cấu.  Thánh ơi, hãy lôi cổ thằng Dương ra gõ một cái vào đầu nó thật đau và nói cho nó biết thế nào là:

 

"Một con sông chảy, một con sông
Một hạt nước trôi ngay giữa dòng
Đến đi như thế là như thế
Cần gì phải biết đục hay trong.
 
Một mùa đông lạnh, một mùa đông
Một hạt nước bay giữa tuyết bông
Đến đi như thế là như thế
Lưu dấu làm chi giữa hư không.
 
Một cơn mưa qua, một cơn mưa
Một hạt nước rơi chạm lá thưa
Đến đi như thế là như thế
Cần gì lưu lại dư âm xưa."
(Hà Hưng Quốc)

 

 

MỘT NGƯỜI BẠN ĐÃ SỚM BỎ CUỘC CHƠI.

Mấy tuần nay đâu đó trong một góc khuất của trái tim tôi cảm thấy thật buồn và thật nhớ một người bạn thân đã sớm bỏ cuộc chơi từ thập niên 1980s.  Trong đêm Giáng Sinh này những dòng chữ tôi gõ xuống xin dành trọn vẹn cho người bạn đã khuất, nhưng không mất, ít ra là với riêng tôi.

       Vâng, người bạn mà tôi muốn nói tới chính là Nguyễn Ngọc Thanh, “Thanh xóm đạo”. Bạn bè gọi một cách thân thương là "Thanh đui".  Thanh sỡ hữu một vóc dáng đồ sộ, có thể nói là đồ sộ nhất trong đám bạn.  Vóc dáng "không khiêm nhường ai" làm cho Thanh có bề ngoài khá "ngầu".  Nhưng thật ra thì Thanh là một con người rất hiền lành.  Với cái thân ô dề to xương, cặp kính cận dầy trong cái gọng vuông màu đen nằm trên khuôn mặt chữ nhật với mái tóc cứng bồng lên làm tôn cái chất nửa văn vẽ nửa giang hồ nơi anh.  Lúc im lặng suy tư thì nơi Thanh toát ra một cái gì đó rất phong trần, rất nghệ sĩ, rất trí thức và rất . . . đau đáu.  Lúc Thanh mở miệng thì ồn ào.  Thanh có tiếng nói rổn rảng và có giọng cười to rất thoải mái.  Nơi nào có Thanh thì nơi đó có minh triết nhảy ra và không khí nơi đó rộn rã hẳn lên.  Thanh dễ tính và nhiệt tình.  Cũng giống như Mãnh, Thanh biết tạo ra những cảm hứng và sự thoải mái cho bạn và với bạn.  Thanh trải đời và có bản lãnh sống hơn bất cứ đứa nào trong đám bạn.  Trải đời và bản lãnh vì Thanh trải qua nhiều bất hạnh và chịu nhiều áp lực của cuộc sống từ rất sớm.  Thanh tiếp nhận những biến cố xảy đến với anh một cách trầm tỉnh, luôn giữ một thái độ rất "có văn hóa", và luôn biết cách xoay trở tìm lối thoát cho mọi vấn nạn.  Thanh có đầy đủ những tố chất để thành công và xứng đáng để thành công trong cuộc đời này.  Nhưng không may là, như anh thường nói, Trời "bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao" (Kiều). 

       Cũng giống như các nhóm bạn khác ở Trường Trung Học Hà Tiên xưa, một đám bạn chơi chung với nhau nhưng tuổi tác và lớp học có thể cách nhau đến 3-4 năm.  Dõng, Mãnh, Phi, Cao, Hưởng, Nguyên, Trung, Bình, Hải, Dương, Thánh, Kiệt và nhiều bạn khác nữa đều là bạn thân của nhau.  Thanh lớn hơn tôi nhiều tuổi và học trước tôi đến vài lớp.  Thanh gần gũi với tôi vì nhiều lý do.  Một trong những lý do có lẽ là vì cô bạn gái của tôi ở Vị Thanh là dì bà con của anh.  Một lý do khác có lẽ vì Thanh thích cái tính khí "hành giả côn đồ" của tôi.  Còn tôi thì thần tượng cái kho tàng nằm trong đầu Thanh (nào là Jean Paul Sartre, nào là Francoise Sagan, nào là Hermann Hesse . . . nhiều lắm).  Thanh lại đặc biệt ưa thích những bài thơ con cóc của tôi.  Trong số những bài thơ của tôi thời đó, Thanh thích nhất bài Tên Hành Giả Côn Đồ:
 

"Thấy không em
Ta tên hành giả côn đồ

Bỏ bước chân đôi lang thang giữa hai dòng sinh mệnh

Hoang hủy cuộc đời theo mỗi nhịp rung

Khoác áo Bhikkhu

Rao giảng nhiệm mầu quá khứ

Những nhiệm mầu niêm kín cửa như nhiên.

Thấy không em

Ta tên hành giả côn đồ

Lồng lộng điệu cười thư động

Chông chênh lối múa ngàn ngày

Tội nghiệp, trái tim ngục tù vô gián!

Tội nghiệp, bàn tay lần dấu uyên nguyên!

Thấy không em

Tên hành giả côn đồ

Ngênh ngang giữa chợ người

Sân khấu đời chưa mãn tạnh.

Tội nghiệp, khát môi như nhị!

Tội nghiệp, vọng niệm vô từ!

Bà sa nhục hình pháp giới vô ưu.

Thấy không em

Tên hành giả côn đồ

Và,

Cuối cùng

Ta

Nỗi lặng lẽ

Lặng lẽ

Thật lặng lẽ

Con sông dài trường ca trùng điệp hư vô."


Tôi hỏi Thanh vì sao lại thích nó nhất thì anh vừa cười vừa nói "nó thể hiện đúng cảm xúc, nhân cách và trí tuệ của mày. Nói về cấu trúc âm thanh thì nó khó ngửi khó ngâm bỏ mẹ. Nhưng có dấu ấn ngôn ngữ rất riêng và có phong cách rất . . . côn đồ."  Tôi nói với Thanh 'từ bỏ ràng buộc của âm luật cứng nhắc và mớ chữ nghĩa kiêu kỳ đầy giả tạo, ôm chặt lấy cái thể hiện rất thật lúc chấp bút' là công ơn của Thầy Trương Minh Hiển đã 'điểm đạo' cho lúc học Văn với thầy trong năm đệ ngũ."  Tôi cũng kể cho Thanh nghe chi tiết của lần điểm đạo đó:

 

"Thầy Hiển bắt cả lớp phải về nhà sáng tác một bài thơ để nộp lên cho thầy.  Sau một tuần lễ rán sức nặn nọt nắn nót, chúng tôi nộp thơ của mình lên để thầy chấm điểm và phê bình.  Bài thơ của tôi được thầy phê bình là 'rất trau chuốt, rất cầu kỳ, rất vững về kỹ thuật nhưng dở ẹt vì chỉ toàn là sáo ngữ vô hồn'.  Tôi nhớ là lúc đó mặt tôi đã hừng đỏ. Kế tiếp thầy lại lôi bài thơ của Vương Đình Lộc, bạn học chung lớp thường gọi là Lốc, ra phê bình. Bài thơ khá vụn về nhưng đọc đến câu 'chiều nay tôi chợt hỏi lòng' thầy Hiển vỗ đùi mình kêu đét một tiếng tỏ ra thích thú rồi phán một câu 'đây mới là cảm xúc chân thành của nhà thơ' chứ không phải của 'thợ làm thơ' như em Hưng.  Đến đây thì mặt tôi không đỏ nữa mà là tái mét. Thầy biết tôi không phục. Cuối giờ học thầy giữ riêng tôi lại và giải thích 'trong 4 đứa em, em Kiệt là đẹp trai nhất lại thông minh, em Dương có trí nhớ tốt nhất và học giỏi, em Thánh thì già dặn nhất và giỏi lý luận, còn em thì lãng mạn và lãng phí nhất. Không chăm lo học hành là lãng phí. Không khai phóng được tài năng của mình là lãng phí. Thầy chê em trước mặt cả lớp là để em nhận ra sự quan trọng của lời thầy trao tặng cho riêng em. Thầy dám chắc em là loại ngọc tốt nhưng chưa phải là ngọc đẹp. Rán lên.'  Tôi đứng yên ngẩn tò te một hồi lâu. Thầy nhìn tôi chầm chập. Chẳng nghe tôi nói gì, thầy đứng lên bước về phía cửa.  Đến ngưỡng cửa thầy còn quay lại cười cười và phán thêm một câu 'thầy còn biết là cả 4 em đều thích một thứ ngọc khác nhưng đừng có lộn xộn mà chết với thầy nghen.'  Tôi đứng ngẩn ngơ chả biết thầy muốn nói gì lúc đó." 

 

Thanh hỏi "Thầy Hiển nói ngọc khác là ngọc gì?" "Là Ngọc Dung chớ ngọc gì," tôi trả lời.  Thanh cười sảng khoái khi nghe tôi thuật lại chuyện này.  

       Những năm về sau, trước khi vượt biển, Thanh và tôi gặp nhau thường xuyên hơn.  Không chỉ gặp nhau ở Hà Tiên mà còn ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sài Gòn.  Gặp nhau chỉ để tán gẫu về văn thơ và thời cuộc.  Có một ngày khi biết được ý định đi xa của tôi Thanh đã hỏi, "mầy nhất định một đi không trở lại?" Tôi đáp, "ừ, sẽ đi, nhưng nhất định phải trở lại.  Và một khi trở lại thì nhất định không còn là nạn nhân của lũ sâu bọ lên làm người nữa."  "Sâu bọ lên làm người" là cụm chữ ưa thích của cả nhóm lúc ấy, sử dụng nhiều nhất là Dõng và Mãnh, có ngày sử dụng đến cả chục lần.  Thanh hỏi tiếp, "Mầy không thấy tội cho cho dì Như Nguyện của tao hay sao?"  Lúc đó, tôi còn nhớ là mình chỉ im lặng cười buồn.  Có một cái gì đó quặn đau đến đứt ruột.  "Thôi thì thôi thế, đoạn trường thế thôi" (thơ Phạm Thiên Thư), tôi nghĩ thầm.  Vài ngày sau tôi đưa cho Thanh một bài thơ ngắn của tôi nhờ trao lại cho dì Như Nguyện của Thanh, coi như là lời giã từ với nàng, và cũng là với Thanh.      

         

"Giữa ngày hái giọt sương trong
Gởi trên mắt, hỏi có không hoa trời?
Hốt đầy bụi nửa cuộc chơi
Đùm trong áo mỏng nhắn lời tử sinh
Ta về với cõi vô thinh
Người giam thân giữa trần tình ghét thương
Thôi thì mỗi đứa một đường
Huyễn nào cũng ảo đoạn trường thì sao!"

 

Thanh hiểu ý thơ và ý tôi.  Tôi đoán là Thanh cũng nhận ra nội hàm của bài thơ ẩn chứa tinh túy của kinh Kim Cang "Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán."  Và có lẽ Thanh đã nghĩ tôi bị "tẩu hỏa nhập ma" mất rồi.

       Sau đó thì tôi ra đi.  Thật xa.  Tận đất Hoa Kỳ.  Mỗi ngày phải cắm cúi vật lộn với cuộc sống mới nơi đất khách.  Tôi cố "nhốt" tất cả ký ức vào ngăn kéo.  Tôi không nghe nhạc, không làm thơ, không viết văn, cũng không đọc luôn cả thơ văn.  Không để trống thời gian.  Không cho phép mình nghĩ ngơi.  Mỗi khóa học lấy tối thiểu là 21 giờ tín chỉ.  Lại còn làm lao công 6 đến 8 tiếng một ngày để kiếm sống.  Tôi chỉ biết một điều duy nhất là mình có một lời thề phải thực hiện. Trong tiến trình đó tôi trở thành một con người khác, rất khác so với con người mà thầy bạn cũ thường biết.  Ít ra tôi nghĩ hay ngỡ là như vậy.   

       Rồi đột nhiên có một ngày, lúc đó tôi đã sắp hoàn tất chương trình đại học tại Florida, tôi nhận được một lá thơ của Thanh.  Lần đầu tiên nơi đất khách tôi nhận được một lá thơ từ bạn cũ.  Tôi nhớ là mình đã nhìn lá thơ thật lâu trước khi xé ra để đọc.  Bàn tay tôi lúc đó dường như hơi run và lạnh dầu là giữa mùa hè.  Tôi cũng nhớ là những cố gắng kềm chế của mình đã đổ ập một cách thảm hại ngay trước mặt của bao nhiêu người chung quanh.  Damn it!  Tôi đã không đủ mạnh để nhốt lại cảm xúc của mình. Ừ, đúng là tôi đã khóc.  Khóc như đứa con nít.

       Trong thơ Thanh cho hay là anh và vợ con anh đang ở trong một trại tỵ nạn tại Thái Lan.  Lá thơ khá dài.  Thanh nói đủ thứ chuyện. Dĩ nhiên là có cả chuyện dì Như Nguyện của Thanh.  Nhưng điều hứng thú nhất với Thanh là chuyện anh đã "gây sóng gió" (nguyên văn của Thanh) trong trại tỵ nạn. Thanh đã viết, "mày còn nhớ liên khúc nhạc cảnh này không Hưng?

 

Hãy cho tôi nói một lần, cho tôi nói một lần, một lần rồi thôi. Giết tôi đi rồi quên hết hận thù.  Giết tôi đi rồi xóa hết ngục tù. Đừng đày đọa thân nhau. Đừng nhân danh một chế độ nào. Vì cuộc đời không phải chỉ là hôm nay.  Hỡi những người thân tôi ơi, xin đừng khóc, xin đừng tiếc, xin đừng thiết tha chi. Một màu da hai niềm tin không hòa hợp nên tôi nằm xuống, nằm xuống đây, không tội gì, không tội gì với quê hương tôi.
       Hãy xót xa cho em đi trong câm nín đọa đày.  Hãy đớn đau cho anh đi trong áp bức từng ngày.  Từng ngày trôi trên quê hương, giờ là ngục tối mênh mông. Ôi thương bàn tay khô niềm tin không cầm được cuộc đời.  Thương hạnh phúc nhỏ nhoi cháy mất ngay từ lòng nôi.  Thương Việt Nam sau cùng rồi chỉ còn lại một màu hồng của máu. 
       Anh thấy không, giờ đây em trở thành là quả phụ.  Xin cài lên đây vành khăn tang vừa ướt máu tim anh.  Anh ra đi khi tình yêu tràn nồng ấm. Yêu tình ta yêu tổ quốc không may.  Anh ra đi nhưng lời anh còn mãi đó, còn mãi đó.  Thân xác anh giờ đây đã trả về cát bụi.  Còn sầu em mang, hận em mang, bọn khát máu phi nhân.  Anh yêu ơi đêm quê hương vừa phủ tối.  Đêm dài hơn đêm đất nước chia đôi.  Anh yêu ơi, những lời anh là lửa cháy, là lửa cháy. . ."

 

Thanh nói là anh đã đem theo liên khúc nhạc cảnh này sang Thái Lan và đã làm nổi sóng trại tỵ nạn ở những đêm thắp nến nhớ quê hương.  Tôi thật tình không biết là những chuyện gì diễn ra ở đó.  Nhưng liên khúc nhạc cảnh này thì tôi biết rất rõ.  Vì tôi là người đã sáng tác ra nó và phối cảnh cho đoàn văn nghệ của Hà Tiên trình diễn tại Kiên Lương năm xưa.  Nhưng tôi đã quên mất nó từ rất lâu.  Nếu Thanh không viết lại trong lá thơ thì có lẽ ngày hôm nay nó đã không còn lưu dấu. 

       Lúc đó Hà Tiên có hai nhóm văn nghệ.  Một nhóm được Lý Mạnh Thường hướng dẫn, tôi thường nói đùa là nhóm văn nghệ quí tộc. Còn một nhóm khác được  anh Trí, con của ngài Yết Ma nhà nằm trên đường ra Thạch Động, và anh Thành Biệt Kích hướng dẫn, tôi gọi là nhóm văn nghệ bình dân. Tôi, Thanh, Nguyên (Duyên Đình) chơi trong nhóm văn nghệ bình dân này.

       Tôi và Nguyên đã từng cùng nhau soạn một vở kịch thơ vào một ngày cúng giỗ tại nhà Nguyên, vở Gọi Lửa.  Nó được gợi ý trong lúc cả đám đang "say xỉn" và nhờ thánh rượu nhập thần mà tập thơ đã hình thành ngay trong ngày hôm đó.  Riêng liên khúc nhạc cảnh Người Tử Tù là do tôi viết. 

       Nhóm văn nghệ bình dân đã lấy cả hai tác phẩm trên cho vào chương trình lưu diễn tại Kiên Lương và Kiên Giang.  Vở kịch thơ thì mượn câu chuyện hư cấu Kinh Kha Gọi Lửa đốt chế độ bạo Tần.  Anh An, em anh Trí, là người chịu trách nhiệm đệm sáo trúc cho vở kịch thơ này.  Còn liên khúc thì mượn nhạc cảnh xử bắn ở pháp trường để nêu quan điểm và sự thật của đất nước thời đó.  Tôi nhận vai người chồng bị xử bắn ở pháp trường còn Hường, người em xứ Huế bán nón lá tại chợ Hà Tiên, nhận vai người vợ của tử tù có mặt ở pháp trường lúc chồng bị xử bắn.  Chúng tôi tập dợt ráo riết tại nhà của anh Trí.  Thanh có mặt thường xuyên ở những buổi diễn tập đó đến độ đã thuộc lòng lời không sót một chữ.

       Nhóm văn nghệ bình dân của Hà Tiên trên dưới có khoảng 60 đứa khăn gói kéo nhau đi Kiên Lương lưu diễn.  Đến Kiên Lương thì anh Trí và anh Thành liền đi đăng ký với Uỷ Ban Quân Quản để xin giấy phép trình diễn tại đó. Dĩ nhiên là trong chương trình không hề nhắc đến vở kịch thơ và liên khúc trên nhưng nhà cầm quyền vẫn không ký giấy cho phép trình diễn.  Sau khi họp bàn cùng anh em trong nhóm, chúng tôi đã quyết định sẽ “chơi tới bến” dầu cơ quan Quân Quản không cho phép.  Chúng tôi đã bỏ ra một số tiền lớn để yêu cầu một đoàn cải lương đang lưu diễn tại Kiên Lương nhường lại sân khấu đêm đó cho chúng tôi trình diễn và trong đêm đó chúng tôi đã vén màn cho dân tự do vào coi văn nghệ không tốn tiền.  Nghĩ lại, tuổi trẻ của chúng tôi quả thật là quá táo bạo. 

       Đêm trình diễn là một đêm thật dài với chúng tôi.  Dân kéo đến coi đông nghẹt.  Lúc diễn vở kịch thơ nửa chừng thì An đã vô ý để cho người ta ăn cắp mất cây sáo ăn ý. Nhưng rồi chuyện đâu vẫn vào đó.  Đến lúc cuối chương trình, chúng tôi hừng chí “chơi luôn” liên khúc nhạc cảnh chẳng cần đắn đo hậu quả.  Chưa diễn xong liên khúc nhạc cảnh thì một đơn vị vũ trang tôi đoán là Quân Quản đã cầm súng tràn vào bao vây sân khấu.  Nhờ có đông dân chen chút và có lẽ họ muốn bảo vệ chúng tôi nên mất khá nhiều thời gian Quân Quản mới lọt tới khu sân khấu. Nhưng khi họ bao vây được hậu trường thì một số trong chúng tôi đã biến rồi.  Riêng tôi thì được một đứa em (không nhớ tên) đang có mặt tại sân khấu đêm diễn dẫn đường chạy trốn. Em ấy từng là đoàn viên Thanh Niên Hồng Thập Tự chi bộ Hà Tiên mà tôi là một trong những cựu huynh trưởng của chi bộ đồng thời em ấy cũng là một công an ở Kiên Lương.  Không có em ấy có lẽ tôi đã bị bắt.  Em ấy đã đưa tôi về nhà em nằm cạnh con sông Tám Ngàn, cho tôi ăn nhẹ trong lúc tìm một chiếc xuồng đưa tôi vượt đồng ngay trong đêm để ra khỏi Kiên Lương.  Và kể từ đêm ấy tôi không có dịp để quay lại Hà Tiên hay Kiên Lương nữa.  Tôi không biết chuyện gì xảy ra cho các bạn khác trong đoàn văn nghệ.  Thanh không có mặt trong đêm trình diễn. 

       Đó là tất cả những gì xoay quanh liên khúc nhạc cảnh mà Thanh nói đến trong lá thơ.  Trong thơ Thanh cũng hứa là sẽ nói cho tôi nghe nhiều chuyện về dì Như Nguyện của Thanh và chuyện của các bạn học cũ của xứ Hà.

       Bẵng đi một thời gian, khoảng chừng nửa năm sau, thì tôi nhận được một lá thơ khác gởi từ trại tỵ nạn.  Không phải là do Thanh viết.  Vợ của Thanh báo cho tôi biết là Thanh đã qua đời.  Thanh bị một thằng khốn nào đó đâm chết trong trại tỵ nạn trong lúc làm phận sự của một người chịu trách nhiệm đứng phân phát nước cho dân tỵ nạn trong trại.  Sau đó tôi cũng mất luôn liên lạc với vợ Thanh.

       Tôi không thể tưởng tượng được đoạn cuối của cuộc đời Thanh lại chấm dứt đầy máu me như vậy.  Nhưng nó đã xảy ra.  Có lần Thanh đã nói với tôi "thằng Mãnh nó chơi nhạc đến độ xuất thần.  Có lần nó đang chơi nửa chừng thì dây đàn bị đứt. Nó vẫn tiếp tục chơi cho đến nốt cuối cùng của bản nhạc, chơi đến độ nhỏ máu trên những dây đàn còn lại.  Tao ước gì một ngày nào đó cuộc đời tao sẽ chấm dứt như sợi dây đàn của thằng Mãnh."  Tôi chẳng được cái may mắn chứng kiến buổi chơi nhạc nào đó của Mãnh mà Thanh nói tới.  Chẳng hiểu Thanh nói theo nghĩa bóng vì hâm mộ Mãnh hay theo nghĩa đen vì sự việc đã từng như thế.  Nhưng lời ước của Thanh thì rõ ràng là đã trở thành sự thật.  Sinh mệnh của Nguyễn Ngọc Thanh đã chấm dứt đột ngột như một dây đàn đứt ngang trong lúc đang chơi. Ướt máu. 

       Trong đêm Noel này có một giọt còn sót lại đã rớt xuống trong tâm thức và làm quặn đau trái tim.  Một con người luôn tuyên dương nhân bản lại bị bạo lực tước đoạt sinh mệnh. Thế mới đau.  Nhưng mà thôi, trước hay sau gì thì mọi người cũng sẽ phải từ bỏ cuộc chơi thôi.  Vậy thì, hãy tìm lấy bình yên nơi trú xứ vĩnh hằng đi Thanh ạ.  Hy vọng là Thanh có thể lần theo tiếng hát của thiên thần để tìm đến với Chúa của bạn và nắm lấy bàn tay quyền năng của Ngài.  Cũng đừng quên cầu xin Ngài ban bố "bình an dưới thế cho người thiện tâm" và cho tất cả cả bạn bè còn phải tiếp tục chơi tới nốt cuối của bản nhạc đời.  Hallelujah!

 

 

MÙA VU LAN

Vu Lan là từ rút ngắn của Vu Lan Bồn, cũng được gọi là Ô Lam Bà Noa phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-lamb có nghĩa là treo ngược lên cho nên các nhà sư Trung Hoa còn dùng từ Đảo Huyền (倒懸 bị treo ngược) cho từ Vu-Lan, hoặc dùng từ Cứu Đảo Huyền (解倒懸 cứu người bị treo ngược) theo ý kinh Vu Lan Bồn.

       Duyên khời từ đại hiếu Mục Kiền Liên, vị bồ tát đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, ngày lễ Vu Lan là cơ hội để chúng ta nhớ tưởng đến công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ ở kiếp hiện tiền cũng như cha mẹ trong vô lượng kiếp đã qua và là cơ hội để thể hiện sự biết ơn sâu sắc của mình dành cho các đấng sinh thành.  Cho nên, có thể nói lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu.

       Khi nghe ai đó nhắc đến hai chữ Vu Lan thì có lẽ hình ảnh đầu tiên đến với hầu hết mọi người, trong đó có tôi, luôn luôn là hình ảnh của mẹ.  Và, một khi đã nghĩ đến mẹ thì lòng chùng lại, mắt cay cay và trong đầu nghe văng vẳng “mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp mật, như đường mía lau. . .” hay là  “một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ.”   Nhưng, với tôi, nhức nhối hơn cả có lẽ là hình ảnh:

 

Mẹ già nấu rượu nếp than
Kiếm tiền trả bớt nợ nần thâm niên
Trán nhăn cày nếp ưu phiền
Bàn tay nào sạch đồng tiền nào dơ
Cau già xa gốc trơ vơ
Trái đau trổ muộn bạc phơ mái đầu
Nửa đêm ngồi ngoáy cối trầu
Nghiền tan cay đắng trộn màu thời gian
Nhìn màu tím rượu nếp than
Ngỡ ngồi hóng mát dưới giàn mồng tơi
Nghe mòn mỏi nhịp võng lơi. . .”
(Dưới Giàn Mồng Tơi của Kiên Giang). 

 

Và rồi, từ trong mớ bòng bong nơi tôi, có cái gì đó chợt vỡ òa ra, đổ ập xuống, mằn mặn, mếu máo. 

       Dĩ nhiên là tôi đang nói về ký ức và cảm xúc của chính mình dành cho một bà mẹ rất riêng tư khi nghĩ về mẹ.  Tuy nhiên, trong dòng sinh mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt, bà mẹ riêng tư này cũng chẳng khác mấy với tất cả bà mẹ Việt.  Do đó, với tôi, hình ảnh của bà mẹ rất riêng tư cũng là rất chung.  Nhìn thấy mẹ tôi, tôi không thể không nghĩ đến tất cả bà mẹ Việt trên mọi miền đất nước và ngoài đất nước.  Ngược lại, nhìn bất cứ một bà mẹ Việt nào tôi không thể không nghĩa đến bà mẹ của riêng tôi.  Và, Mẹ, trong tâm thức tôi, thật ngọt, thật hiền, thật thương, thật tội, thật . . . buồn.  Buồn đến mức khiến tôi nghẹt thở, khiến phải . . . tụng niệm “yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.” để lấy lại an bình. 

       Và nói đến Vu Lan là nói đến hiếu đạo, đương nhiên là vậy.  Dầu có là phật tử hay không là phật tử thì người Việt nào cũng phải biết đến những bài học về hiếu đạo Việt.  Trong những bài học luân lý về hiếu đạo Việt, vượt lên trên tất cả, thường xuyên hơn tất cả, làm cho tôi đau đáu hơn tất cả là hai bài ca dao lưu truyền:

 

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra
Nước ngọn nguồn chảy ra bao cạn
Núi Thái Sơn mấy vạn tầng cao
Đạo con báo đáp nghĩ sao?
 
Và,
 
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Bống bồng bông, bống bồng bông
Võng Đào mẹ bế con rồng cháu tiên.”

 

       Không phải là thứ âm thanh phèn la “khảm khảm” chát chúa “thành đầu khảm khảm cổ thanh thự” được mô tả trong Bài Ca Say của Dư Hàng gởi Ngô sơn nhân hoặc “khảm khảm phạt luân hề” hay “khảm khảm phạt đàn hề” trong Phạt Đàn – Kinh Thi mà là âm thanh “Bống bồng bông, bống bồng bông” nghe như ba chiếc trống đồng đang hòa nhạc để mẹ Việt ru ngủ “con rồng cháu tiên.”  Một cảm giác thật là tuyệt vời chỉ trong mấy tiếng “bống bồng bông, bống bồng bông.”

       Nhưng, tại sao lại phải lấy Thái Sơn, Động Đình xa xôi nơi đất người mà không là Tản Viên, Tây Hồ trên đất Việt để mô tả công cha nghĩa mẹ?  Chẳng lẽ ông cha ta còn Tàu hơn cả Tàu nên ôm những địa danh đó lồng vào trong bài học luân lý hiếu đạo dạy cho con cháu?  Tôi không tin ông cha mình tệ nhưng thắc mắc này đã làm tôi đau đáu hơn một nửa đời người.  May mắn là tôi đã đọc được những cuốn sách khảo luận của học giả Hà Văn Thùy và của một số học giả khác nhờ đó tôi nhận ra những địa danh trong hai bài ca dao trên đích thực là nơi “võng Đào mẹ bế con rồng cháu tiên.”  Và như ông đã viết lời giới thiệu trong Viết Lại Lịch Sử Trung Hoa, cuốn sách của chính mình vừa xuất bản trên Amazon:

 

Cho đến nay, không chỉ bạn mà cả thế giới tin rằng, người phương Tây đem văn minh đến Trung Hoa. Tới lượt mình, người Trung Hoa mang văn minh xuống khai hóa dân An Nam mông muội. Ngôn ngữ Việt mượn 60% tiếng Hán. Văn hóa Việt là sự vay mượn văn hóa Trung Quốc chưa đến nơi đến chốn…
       Đó là sự dối trá vĩ đại được áp đặt thành tín điều suốt thế kỷ qua! Từ tri thức của thế kỷ mới, cuốn sách này sẽ nói với bạn một sự thật trái ngược. Hàng vạn năm trước, khi phần lớn nhân loại còn sống vùi trong băng giá thì từ Việt Nam, người Việt đã mang rìu đá – công cụ ưu việt của loài chúng ta thời đó – đi lên khai phá đất Trung Hoa. Rồi cũng từ Việt Nam, những lớp di dân tiếp theo mang cây lúa, cây kê, giống gà, giống chó lên xây dựng nền văn minh nông nghiệp rực rỡ trên Hoa lục. Tiếng nói Trung Hoa được sinh ra từ tiếng Việt. Chữ tượng hình Giáp cốt văn Trung Hoa do người Việt sáng tạo. Kinh Thi, kinh Thư, kinh Nhạc, kinh Lễ là của người Việt. Âm Dương, Ngũ Hành, Thiên Can, Địa Chi, Bát Quái và Dịch lý… cũng là sáng tạo của người Việt. Nếu lịch sử một quốc gia là lịch sử của những cộng đồng dân cư chủ đạo làm nên quốc gia đó, thì lịch sử Trung Hoa chính là lịch sử của người Việt đã và đang sống trên đất Trung Hoa.
       Bạn ngỡ ngàng, bạn nghi ngờ? Không có gì lạ vì nhiều người cũng hoài nghi như bạn! Dễ gì trong chốc lát lật ngược sự thật bị khuất lấp hơn hai nghìn năm! Vâng, hai nghìn năm lầm lạc! Nguyên do là trong quá khứ, người Việt bị mất đất đai, mất chữ viết nên mất luôn lịch sử. Từ chủ nhân của nền văn minh phương Đông rực rỡ, người Việt bị tước đoạt tất cả để trở thành đám trôi sông lạc chợ, học nhờ đọc mướn! Rất may là, sang thế kỷ này, trí tuệ nhân loại đã soi sáng quá khứ bị quên lãng, trả lại công bằng cho lịch sử. Vì lẽ đó, phải viết lại lịch sử Trung Hoa.”  (Hà Văn Thùy – Viết Lại Lịch Sử Trung Hoa)

 

       Thái Sơn vẫn còn đó nhưng Trong Nguồn (viết hoa, danh từ riêng) đã biến âm thành Trung Nguyên.  Vùng đất Hồng Lạc xưa của cha ông đã bị người cưỡng chiếm bằng sức mạnh bạo lực.  Cái “Võng Đào” nơi của mẹ “bế con rồng cháu tiên” đã mất vào tay người.  Theo đó nền văn hoá Việt xưa cũng đã bị người chiếm đoạt, tiếm danh thành nền văn hoá Trung Hoa.  Chỉ còn lại tâm thức Việt và một xéo đất nhỏ ngày nay mang tên Việt Nam.  Nhưng họ vẫn không buông tha và đang muốn chiếm nốt. 

       Mỗi lần dân tộc và tổ quốc đứng trước nguy nan thì Mẹ Tổ và Cha Tổ của con rồng cháu tiên đã chất vấn thẳng thừng những đứa con Việt “đạo con báo đáp nghĩ sao?” Xuyên suốt dòng lịch sử của dân tộc, con rồng cháu tiên vẫn chưa đánh mất hiếu đạo Việt.  Ngày nay, thêm một lần nữa, nước Việt đang lâm nguy. Đất nước đang chờ đợi những đứa con rồng cháu tiên đứng lên để mảnh giang sơn nhỏ bé này còn tiếp tục là giang sơn của người Việt.  Luân lý hiếu đạo Việt không cho phép những đứa con Việt thờ ơ trước nỗi trôi của mệnh nước. 

       Nhân mùa Vu Lan này, tôi xin cầu chúc cho những đứa con Việt chưa bị nhiễm độc “tâm Hoa” có thể thực hành sự báo hiếu của mình một cách chân thành và dũng mãnh, với tư cách vừa là đứa con trong gia đình vừa là đứa con của đất nước Việt Nam.

 

 

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn