SỰ IM LẶNG TUYỆT ĐỐI
Đức Ngài giảng
Một hệ thống lý thuyết chỉ là một hệ thống lý thuyết. Nó chưa hẳn có thể phản ảnh sự thật tuyệt đối, và ngay cả sự thật tương đối. Một hệ thống lý thuyết chỉ có khả năng giải thích một số “tiền đề” nào đó trong giới hạn của khả năng tư duy và lý luận. Một hệ thống lý thuyết được hình thành trên nền tảng của một số giả định, dầu nói ra hay không nói ra, và chỉ có thể duy trì nguyện vẹn sự khả tín hay ngay cả sự tiếp tục tồn tại nếu như những giả định đó không bị phá vỡ. Một hệ thống lý thuyết dầu có hoàn hảo tới đâu, dầu có siêu việt đến đâu, dầu có vi diệu tới đâu, dầu có tuyệt vời đến đâu thì cũng chỉ là một hệ thống lý thuyết hữu hạn. Nó không có khả năng bao trùm hay loại trừ mọi hệ thống lý thuyết khác và càng không có khả năng đại diện cho sự thật tuyệt đối. Nói một cách khác, không có một hệ thống lý thuyết tuyệt đối. Bất kể đối tượng đưa ra hệ thống lý thuyết đó là ai, là nhà toán học hay là nhà khoa học hay là nhà hiền triết hay là Chúa Phật, cũng thế thôi.
Nói cho chính xác hơn là không có một hệ thống lý thuyết tuyệt đối thông qua ngôn ngữ. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối là tuyệt đối. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối mới là tuyệt đối vì nó phi ngôn ngữ, phi thời không, phi phạm trù, phi qui ước, phi giới hạn... phi các thứ. Nếu toàn bộ sự im lặng mà nó bao trùm vô giới hạn được coi là một hệ thống lý thuyết vô ngôn xuất thì nó là một hệ thống lý thuyết tuyệt đối duy nhất và duy nhất có khả năng đại diện cho sự thật tuyệt đối. Chúng ta có thể gọi sự im lặng tuyệt đối đó là Chơn Như, là Chơn Tịnh, là Viên Giác, là Đại Trí Huệ Phật, là Chí Chân Thiện Mỹ, là Hoa Tạng Diêu Trì, vân vân. Chúng ta có thể gọi hệ thống lý thuyết vô ngôn đó là Như Lai Tạng, là Pháp Giới, là bản thể của Thượng Đế, là Nguồn Lực Vũ Trụ, vân vân. Và chúng ta cũng có thể gọi cái TUYỆT ĐỐI chủ thể của sự IM LẶNG TUYỆT ĐỐI đó và của hệ thống LÝ THUYẾT VÔ NGÔN XUẤT đó là Ngôi Thái Cực, là Huyền Thiên Thượng Đế, là Thiên Chúa, là Trung Tâm của Nguồn Lực Vũ Trụ, là Đấng Tạo Hóa, là Tỳ Lô Giá Na Phật, vân vân. Nếu muốn.
Đức Cồ Đàm nhận ra điều đó, hơn ai hết dĩ nhiên Ngài phải nhận ra điều đó, cho nên trước khi nhập diệt Ngài đã tuyên nói với đệ tử là “49 năm Ta chưa nói một lời”. Chí phải! Vì chỉ có sự im lặng tuyệt đối và hệ thống lý thuyết vô ngôn xuất mới có thể đại diện cho sự thật tuyệt đối. Không phải Ngài phủ nhận những gì Ngài đã dạy. Ngài chỉ là cảnh cáo đời sau về giới hạn của hệ thống giáo lý mà Ngài đã thuyết. Ngài chỉ là quay trở về với sự IM LẶNG TUYỆT ĐỐI, cái mà Ngài tạm gọi là Niết Bàn Tịch Diệt. Ngài đã xiển dương hệ thống lý thuyết vô ngôn xuất với sự im lặng sau cùng và mãi mãi. Cái này đồng ý với cái gọi là “Lìa-nhứt-thiết-ngữ-ngôn đà-la-ni” trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa.
Thánh kinh Ki Tô Giáo nói, “In the beginning was the WORD, and the WORD was with GOD, and the WORD was GOD (John 1:1) … The WORD became flesh and made his dwelling among us. We have seen his glory of the ONE and the only SON, who came from the Father, full of grace and truth” (John 1:14) tạm dịch “Lúc khởi đầu là NGÔI LỜI, và NGÔI LỜI ở cùng Thiên Chúa, và NGÔI LỜI cũng chính là Thiên Chúa …. NGÔI LỜI giáng hạ phàm giang và kim thân của người chung chạ với chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của người con duy nhất của Thiên Chúa và Đấng Ngôi Hai này đầy tôn nghiêm và sự thật.” Người con duy nhất của Thiên Chúa ở phương Tây vào thời điểm đó.
Jesus Christ chính là NGÔI LỜI. Jesus Christ là chiết thân của Thiên Chúa giáng hạ xuống phàm gian. Vì là chiết thân của Thiên Chúa nên được gọi là Thiên Chúa NGÔI HAI. Vì xuống phàm gian trong thân thể xương thịt nên cũng có thể được gọi là NGÔI NGƯỜI.
Thiên Chúa giáo hóa con người thông qua NGÔI NGƯỜI. Duy nhất chỉ có NGÔI NGƯỜI mới thực sự “giao cảm trọn vẹn” với Thiên Chúa và thực sự “trọn vẹn lời nói” với con người. Tại sao? Tại vì NGÔI NGƯỜI cũng là NGÔI LỜI đã ở cùng Thiên Chúa, từ Thiên Chúa, và là Thiên Chúa cho nên đương nhiên phải “giao cảm trọn vẹn” với Thiên Chúa. Tại vì NGÔI LỜI cũng là NGÔI NGƯỜI mang thân xác xương thịt sống chung chạ với con người và Ngài "đã chịu cám dỗ đủ mọi mặt cũng như chúng ta song không hề phạm tội. (Hebrew 4:15) cho nên mới có thể “trọn vẹn lời nói” với con người.
Còn riêng Thiên Chúa vẫn trên cao im lặng, im lặng tuyệt đối. Chỉ có sự IM LẶNG TUYỆT ĐỐI thì mới có thể nói Thiên Chúa là ĐẤNG TỐI CAO. Và chỉ có Đấng Tối Cao cùng với sự im lặng tuyệt đối của Ngài mới xứng đáng với mấy chữ CHÍ CHÂN, CHÍ THIỆN, CHÍ MỸ, CHÍ THÁNH. Chỉ có Đấng Tối Cao cùng với sự im lặng tuyệt đối của Ngài mới xứng đáng với mấy chữ CHÍ DIỆU, CHÍ HUYỀN, CHÍ MINH, CHÍ GIÁC. Chỉ có Đấng Tối Cao cùng với sự im lặng tuyệt đối của Ngài mới xứng đáng với mấy chữ CHÍ DŨNG, CHÍ BI, CHÍ NHẪN, CHÍ TỪ PHỤ vì sự bao dung vô lượng và yêu thương vô lượng của Ngài dành cho vạn linh nói chung và dành cho loài người nói riêng, thông qua đứa con "linh hồn Ngài" là NGÔI NGƯỜI dưới thế. Đức Phù Hựu Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân tán thán sự im lặng tuyệt đối này trong bài kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo "Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa. Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh." tạm dịch "Dường như thật, dường như ảo, không một lời nói, chỉ yên lặng bày tỏ cuộc biến hóa lớn. Lúc không, lúc có, như nhiên mà sai khiến tất cả sinh mệnh."
NGÔI NGƯỜI chung chạ với con người và NGÔI LỜI truyền tải ý chỉ và thông điệp của Thượng Đế để giáo hóa thế gian. Thông qua NGÔI NGƯỜI/ NGÔI LỜI "Then you will know the truth, and the truth will set you free (John 8:32-33)... I am the way and the truth and the life. No one comes to the Father except through me" (John 14:6) tạm dịch "Rồi thì các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ngươi.... Ta là con đường và là sự thật và là sự sống. Không ai đến với CHA mà không thông qua Ta." Đương nhiên! Vì ai khác có thể nghe được SỰ THẬT TUYỆT ĐỐI trong sự IM LẶNG TUYỆT ĐỐI của Thượng Đế hơn là NGÔI LỜI, Đấng có thể "giao cảm trọn vẹn" với Thượng Đế?
Bây giờ thì bạn đã hiểu vì sao THƯỢNG THIÊN ĐẾ CHÚA luôn im lặng và chiết linh quang của mình xuống thế gian là NGÔI HAI/NGÔI LỜI/NGÔI NGƯỜI đi giữa cuộc đời cùng với bạn và dẫn bạn về với Thiên Chúa, về lại Thiên Quốc nơi mà ít nhất là một lần bạn đã từ đó ra đi.
VẤN ĐÁP:
V: Quay lại chỗ xuất phát của bài viết này, câu hỏi được đặt ra: giáo lý của các tôn giáo thì sao, có hữu hạn?
Đ: Xin trả lời là một hệ thống giáo lý cũng chỉ là một hệ thống lý thuyết như bao hệ thống lý thuyết khác. Tất cả hệ thống giáo lý, dầu là của tôn giáo nào, cũng hữu hạn và không có khả năng phản ảnh trọn vẹn sự thật tuyệt đối, lại càng không có khả năng phủ trùm hoặc để thay thế cho hệ thống giáo lý của tất cả các tôn giáo khác.
V: Hệ lụy về sự hữu hạn của những hệ thống lý thuyết của các tôn giáo là gì?
Đ: Câu hỏi này rất rộng, về mọi mặt, trong đó bao bao gồm cả triết học và tôn giáo học và xã hội học, cần rất nhiều thời gian để suy nghĩ và trả lời. Cho nên, xin được chỉ thẳng vào vấn đề gần gũi nhất và xin được nói những lời chân thành. Tôn giáo chỉ có hai con đường để chọn lựa. Một, tiếp tục duy trì quan điểm không dung nạp, coi hệ thống lý thuyết của mình là SỐ MỘT và cực lực đào sâu những dị biệt, tệ hại hơn, cực lực bôi nhọ hệ thống lý thuyết của những tôn giáo khác hoặc của những chi phái khác của cùng một tôn giáo. Điều này đã và đang xảy ra ở diện rộng. Hệ lụy của nó không nhỏ chút nào nếu không muốn nói hai chữ tệ hại. Hai, tìm sự hài hòa bằng cách dung nạp giáo lý từ những hệ thống giáo lý khác nhau. Giáo lý Cao Đài, Bửu Sơn, Tứ Ân, Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo vân vân, nói chung là những tôn giáo phát xuất từ bản địa, phản ảnh sự chọn lựa này, nếu đó là sự chọn lựa của các vị sáng lập.
Với tinh thần tam giáo đồng quy của người Việt, tôi thấy đây là một khuynh hướng tuyệt vời và đúng đắn. Nên cổ súy và tiếp tục phát huy. Vì sao? Chúng ta nên nhớ rằng một hệ thống giáo lý chỉ là một phương tiện để dẫn dắt chúng sanh trên con đường tiến hóa. Tất cả đều có khả năng "đưa người" trên hành trình học hỏi và tiến hóa, dầu chỉ là đưa một đoạn đường ngắn cũng có vai trò và sự hữu dụng của nó. Trên con đường tiến hóa đó, lữ hành sẽ biết đoạn nào nên đi xe ôm, đoạn nào phải đi xe đò, đoạn nào phải đi ghe, đoạn nào có thể đi máy bay. Đó gọi là khế căn, khế cơ, khế thời, khế pháp, khế nhân duyên…. Dầu mượn phương tiện nào để đi, ở mỗi chặn đường hay đi suốt, thì cuối cùng những khách lữ hành đó cũng sẽ phải đi tới chỗ TRỌN LÀNH và an trú trong sự IM LẶNG TUYỆT ĐỐI [Thượng Đế tính]. Cho nên câu kinh “một cội sinh ba nhánh in nhau, làm người phải hiểu lý sâu” là hoàn toàn chân xác, minh triết và thiện dụng.
V: Về mặt dung nạp nhau của các tôn giáo hiện nay, Ngài hình dung hay ước ao việc gì xảy ra trong tương lai.
Đ: "Mang câu Bác Ái vào nhà Từ Bi". Điều này có thể trở thành hiện thực trong tương lai và Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội nhất để điều này xảy ra. Và nếu điều tích cực này xảy ra, thành tựu của nó sẽ thay đổi diện mạo của cộng đồng nhân loại nói chung và diện mạo của tôn giáo nói riêng. Lợi lạc của nó sẽ khiến thế giới tôn vinh Việt Nam là VÙNG ĐẤT CỦA ĐỨC TIN MỚI.