CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG
Đức Ngài Hoàng Di Thiên giảng
Thượng Đế dạy:
“Nhãn thị chủ Tâm
Lưỡng quang chủ tể.
Quang thị Thần.
Thần thị Thiên.
Thiên giả ngã giả."
"Đó là một YẾU QUYẾT KHAI THÔNG, khi các con được truyền chỉ hiệp MỘT với Đại Đạo.” (Thánh Giáo Của Chí Tôn tại Trung Hưng Bửu Tòa, Trích Tập San Sống Đạo, số Xuân Kỷ Sữu, 2009)
TÂM thông qua MẮT. Hai ánh sáng của mắt (còn gọi là Song Mâu) là chủ thể. Ánh sáng là Thần. Thần là Trời. Trời cũng là Ta. Và như Thượng Đế dạy, đây là yếu quyết để hiệp MỘT.
Vậy thì, áp dụng yếu quyết như thế nào để hiệp MỘT? Tu hành như thế nào để hiệp MỘT?
Thoán truyện của Khổng Tử viết: “Kiền đạo biến hóa. các chánh tánh mạng, bảo hợp thái hòa, nải lợi trinh”. Tạm dịch theo nghĩa đen: Đạo Càn Thiên biến hóa, vật nào đặng đúng theo vật ấy, giữ HỢP được khí THÁI HÒA, thế là nên và bền."
Hiểu theo huyền học, người nào tu sửa TÁNH MẠNG ngay chánh thì được MỘT. Cái MỘT này gọi là khí THÁI HÒA, thông qua song tu TÁNH MẠNG hai khí ÂM DƯƠNG hiệp lại mà được.
Đạo Giáo gọi cái MỘT này là KHIẾU HUYỀN QUAN. Đơn Kinh nói:
“Thử khiếu phi phàm khiếu
Kiền Khôn cộng hiệp thành
Danh vi Thần Khí huyệt
Nội hữu Khảm Ly tinh.
Nghĩa là:
Khiếu ấy vốn phi phàm
Kiền Khôn hiệp lại làm
Kêu là huyệt Thần Khí
Trong có tinh ly khảm.
...
NGÓ VÀO KHIẾU đó, tức là làm cho THẦN KHÍ HIỆP NHỨT, mới giữ được TÂM THANH TỊNH, kế phát xuất tánh hư linh bất muội, gọi là MINH GIÁC. Có cái minh giác đó mới có thể thấu suốt các lẽ HUYỀN VI được.
...
Tuy mỗi giáo dùng danh từ khác nhau mà giải bày, nhưng xét về chánh lý, cái TÂM do ÂM DƯƠNG hiệp thành phải đi tới BÌNH ĐẲNG mới là 'sáng mắt' thấy được Phật tánh. Mà Phật tánh là ‘Tự tánh tịnh Niết Bàn’… Thần Hội nói: ‘BáT nhã kiến Niết Bàn’ thì cái tâm bình đẳng nói đây có phải là Trí Bát Nhã chăng?” (Trích Minh Lý Chơn Giả, cuốn 1.)
Thực ra cụm chữ NGÓ VÀO KHIẾU ĐÓ là chưa được chuẩn xác mà phải nói là NGÓ VÀO THIÊN MỤC hay NGÓ VÀO MI GIAN thì đúng hơn.
Khi Đức Đông Phương Lão Tổ truyền bí pháp Thập Nhị Cẩm Đoạn cho môn sinh của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài, Ngài đã dạy: “Chư đệ làm như vậy, đó là TRIỆU DƯƠNG THẦN QUI ĐẢNH NỘI, thì chư đệ cần chú tưởng ở MI GIAN, mà Phật thường gọi là CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG hay Thế Chí Như Lai. Triệu Dương Thần vào đảnh môn cho THIÊN MỤC hé mở.” (Đức Đông Phương Lão Tổ, đàn cơ tại Thánh Thất Bình Hòa, năm 1972).
Đức Đông Phương Lão Tổ giải thích tiếp: “Vả lại NÊ HOÀN là chỗ gọi Thiên Tâm hay THIÊN MÔN. Thiên Môn không phải ngoài châu thân người hay ở trên vòm cao thẩm, mà THIÊN MÔN là đó [NÊ HOÀN]. Mở được đó sẽ vào đến Cung Trời, đó cũng là chỗ Thiên Can lập vị.” (Đức Đông Phương Lão Tổ, đàn cơ tại Thánh Thất Bình Hòa, năm 1972).
Cũng theo Minh Lý Chơn Giả thì chữ Minh trong chữ kép MINH GIÁC phải giải theo nghĩa huyền học. Nó là sự SÁNG BIẾT nhưng chẳng phải sự sáng biết của Ý THỨC mà là sự sáng biết của HUYỀN QUAN NHỨT KHIẾU do tu tập bí pháp mà thành tựu.
Nói về CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG, Thượng Đế cũng đã dạy: “Thầy trao cho [Ngô Văn] Chiêu ‘Chánh Pháp Nhãn Tạng’ nầy chẳng những như xưa mà phổ cập mười phương dù kẻ tu NỘI TỈNH CẦU TÂM hay NGOẠI GIỚI CẦU PHÁP cũng được siêu độ.” (Thánh Giáo Của Chí Tôn tại Trung Hưng Bửu Tòa, Trích Tập San Sống Đạo, số Xuân Kỷ Sữu, 2009)
Cảnh Sầm nói:
"Người nay, học Đạo chẳng biết CHÂN [THẦN]
Chỉ vị xưa nay nhận THỨC THẦN
Thức Thần vốn dĩ sinh tử bản
Người khờ tưởng ấy Bản Lai Nhân."
Bản Lai Nhân là "Tâm địa". Lão tử dạy "muốn tu đạo phải nhìn vào Tâm (nội quan). Muốn nhìn vào tâm, cái hay là phải biết LINH QUAN NHỨT KHIẾU. Con người từ khi thụ sinh, đã bẩm thụ được một điểm Nguyên Dương, nên sinh ra Khiếu này, để tàng trữ Nguyên Thần. Nho gọi LINH ĐÀI, Đạo gọi LINH QUAN, Phật gọi LINH SƠN. Tam giáo đều có cùng một pháp môn, đó là cái 'Khiếu Linh Minh' này vậy." (Trích Tính Mệnh Khuê Chỉ Toàn Thư, Đệ Nhứt Tiết Khẩu Quyết: Hàm Dưỡng Bản Nguyên Cứu Hộ Mệnh Bảo, từ website của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ).
“Khiếu [Huyền Quan] này là Đài của Thần Linh, là phủ bí mật. Nó rất thanh tịnh, minh diệu, hư triệt, linh thông, một mình đứng vững. Nó là căn bản chúng sinh, nên gọi là TÂM ĐỊA, là sở đắc của chư Phật cho nên gọi BỒ ĐỀ. Giao triệt dung dung, nên gọi là PHÁP GIỚI [tức vũ trụ hiện tượng giới]. Tịch tĩnh, thường lạc nên gọi NIẾT BÀN. Không ô trọc, không tẩu lậu nên gọi THANH TỊNH. Chân thật bất biến nên gọi là CHÂN NHƯ. Không lỗi lầm, không sai quấy nên gọi PHẬT TÁNH. Giúp lành, lánh dữ nên gọi TỔNG TRÌ. Ẩn phú, hàm nhiếp [thu tàng mọi sự] nên gọi NHƯ LAI TẠNG. Siêu việt, huyền bí nên gọi MẬT NGHIÊM QUỐC [Tịnh Thổ của Đức Đại Nhật Như Lai]. Gồm thâu mọi đức, chỉ điểm quần mê, một mình chiếu sáng, nên gọi VIÊN GIÁC. Kỳ thật, chỉ là một Khiếu [Huyền Quan]. Đi ngược nó sẽ là phàm phu, thuận theo nó là Tiên Thánh. Không biết nó sẽ bị Sinh Tử, Luân Hồi. Hiểu biết nó, Luân Hồi sẽ dứt.” (Trích Tính Mệnh Khuê Chỉ Toàn Thư, Đệ Nhứt Tiết Khẩu Quyết: Hàm Dưỡng Bản Nguyên Cứu Hộ Mệnh Bảo, từ website của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ).
Ô Sào Thiền Sư dạy:
"Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp,
Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu."
Dịch:
"Phật ở Linh Sơn có xa đâu
Linh Sơn ở ngay trên cái đầu
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp
Muốn tu nhìn vào đó mà cầu."
Ngốc Đường Thiền Sư dạy:
"Ưng vô sở trụ sinh kỳ Tâm
Khuếch triệt, viên minh xứ xứ chân
Trực hạ đỉnh môn, khai Chính Nhãn
Đại thiên sa giới hiện toàn thân."
Dịch:
"ƯNG VÔ SỞ TRỤ sinh KỲ TÂM
Tâm sẽ VIÊN MINH xứ xứ CHÂN
Ngay dưới đỉnh đầu khai CHÁNH NHÃN
Hằng hà sa số hiện toàn thân."
Và ý chỉ của Phật trao cho Ca Diếp:
"Ta có...
Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Niết Bàn Diệu Tâm,
Thật tướng vô tướng,
Vi diệu pháp môn,
..... nay trao lại cho Ông."
Tạm dịch:
"CON MẮT VÔ HÌNH chứa pháp chánh
Niết Bàn ở chỗ TÂM vô sanh
Không thấy nhưng mà nó thực có
Là PHÁP MÔN VI DIỆU Ta rành
... nay trao lại cho ông"
Đức Ngài Hoàng Di Thiên, Ngôi Hai trào tam, dạy:
"Bỏ Luật, bỏ Luận, bỏ luôn Kinh
Thẳng đường về tới chỗ Chơn Minh
Dứt bặt tới lui ngôn với tướng
Hà sa thế giới hiện quang linh."