NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ CHƠN KINH
GIẢNG GIẢI
Thời kỳ đầu mới khai nền Đạo Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ , Đức Chí Tôn giao cho Ngài Ngọc Lịch Nguyệt chọn lựa kinh thêm cho Đạo Cao Đài tụng đọc trong thời cúng. Ngài Ngọc Lịch Duyệt chọn bốn bài kinh là bài Ngọc Hoàng Kinh cùng với ba bài kinh khác để cúng Tam Giáo là bài Nhiên Đăng Cổ Phật Chí Tâm Qui Mạng Lễ, bài Thái Thượng Chí Tâm Qui Mạng Lễ, và bài Khổng Thánh Chí Tâm Qui Mạng Lễ. Bốn bài kinh này đều bằng chữ Hán, Hội Thánh sau này phiên âm ra Quốc ngữ và cho in trong những cuốn kinh “Thiên Đạo và Thế Đạo”.
Kinh này còn có tên gọi là Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo và Thiên Đế Bửu Cáo. Lời cáo do Đức Quan Thánh Đế Quân và Đức Phù Hựu Đế Quân (cũng là Thuần Dương Lão Tổ Lữ Đồng Tân) xuống điển ban kinh ngày mùng 01 tháng 09 năm Tân Mão nhằm ngày thứ bảy 03/10/1891 (Vĩnh Mạng Kinh) tại Thiểm Tây, Trung Quốc vào đời Vua Quang Tự. Bài Bửu Cáo này được truyền đến Việt Nam và trở thành một trong các bài kinh nhật tụng của tín đồ CAO ĐÀI.
Tại sao Đức Chí Tôn và Tam Giáo không ban kinh cho Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ mà phải vay mượn từ bên ngoài? Không có gì lạ là bởi Đức Chí Tôn đã nói "Thầy GIÁNG ĐẠO chưa KHAI GIÁO" (trang 5, Tam Nhật Đàn, 17/2/1935). Nếu ban kinh thì hóa ra "Giáo đã khai" rồi còn gì. Nếu đã khai giáo thì thiên thơ Thầy để lại làm bằng chứng có ích gì.
Thầy cũng nói:
"Đến ngày Thiên khai Huỳnh Đạo, đó là [ngày] khai giáo Đạo Huỳnh, thì Phật Thánh Tiên Tam Giáo hạ trần xuống thế mà thống nhất hòa bình, năm châu cùng vũ trụ, [rồi] Thầy mới đem biểu hiệu Cao Đài mà truyền lưu cõi thế, các con không thông căn Đạo, không tìm hiểu được Thiên Cơ, tưởng lầm Cao Đài [Tam Kỳ Phổ Độ] truyền đạo Năm Châu Thống Nhất hoàn cầu. Chưa được! Vì Cao Đài [Tam Kỳ Phổ Độ] là cơ hữu hình đâu có Phật Thánh Tiên mà thống nhất, đâu có Phật Thánh Tiên mà lập Bát Môn Đồ Trận. (Trích Dẫn 3, trang 5, Tam Nhật Đàn).
"... cho nên Cao Đài là cơ Phổ Độ không có lập đời. Còn lập đời là Huỳnh Đạo, là cơ Vô Vi, là Phật Thánh Tiên xuống thế lập đời mới được..." (Trích Dẫn 4, trang 6, Tam Nhật Đàn).
"Cao Đài Phổ Độ là [cho] ngày hôm nay [1935]. [Tới] cuối Hạ Ngươn đời tận thế là ... [lúc sẽ] còn lại kẻ hữu căn hữu đức đặng lập đời trở lại Thượng Ngươn, thì Luật Trời định [là] Giáo [Tôn] Đạo Huỳnh [sẽ] xuống thế độ kẻ hữu căn lập đời [chớ] không có Phổ Độ [nữa]. (Trích Dẫn 5, trang 16, Tam Nhật Đàn).
KINH:
- Đại La Thiên Đế
- Thái Cực Thánh Hoàng
- Hóa dục quần sanh
- Thống ngự vạn vật
- Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết
- Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh
- Nhược thiệt nhược hư
- Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa
- Thị không thị sắc
- Vô vi nhi dịch sử quần linh
- Thời thừa Lục Long du hành bất tức
- Khí phân Tứ Tượng oát triền vô biên
- Càn kiện cao minh
- Vạn loại thiện ác tất kiến
- Huyền phạm quảng đại,
- Nhất toán họa phước lập phân
- Thượng chưởng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái
- Hạ ốc Thất Thập Nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu
- Tiên Thiên Hậu Thiên tịnh dục Đại Từ Phụ
- Kim ngưỡng cổ ngưỡng phổ tế tổng pháp tông
- Nãi Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần chi Quân
- Vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi Chủ
- Trạm tịch Chơn Đạo
- Khôi mịch tôn nghiêm
- Biến hóa vô cùng
- Lũ truyền Bảo Kinh dĩ giác thế
- Linh oai mạc trắc
- Thường thi Thần giáo dĩ lợi sanh
- Hồng Oai Hồng Từ Vô Cực Vô Thượng
- Đại Thánh Đại Nguyện Đại Tạo Đại Bi
- Huyền Khung Cao Thượng Đế
- Ngọc Hoàng Tích Phước Hựu Tội Đại Thiên Tôn.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
GIẢNG GIẢI:
- Vua Trời Đại La (Đại La Thiên Đế)
- Đấng Ngôi Một (thái cực) tối cao tối thánh (thánh hoàng).
- Ngài sáng tạo (hóa) và nuôi dưỡng (dục) quần linh
- Ngài nắm trọn (thống) và ở nơi (ngự) tất cả vạn vật.
- Bên trong cái cổng vào tỏa ra ánh sáng sắc vàng huyền diệu (Huỳnh Kim Khuyết).
- Nơi lầu đài giống như làm bằng ngọc trắng cực kỳ to lớn tráng lệ (Bạch Ngọc Kinh).
- Dường như thật (nhược thiệt) dường như ảo (nhược hư).
- Không một lời nói (bất ngôn) chỉ yên lặng (nhi mặc) bày tỏ (tuyên) cuộc biến hóa lớn (đại hóa). Sách Luận Ngữ: Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên? Vạn vật sanh yên? Nghĩa là: Trời có nói gì đâu! Bốn mùa há không vận chuyển sao? Muôn vật há không sanh hóa sao?
- Lúc không (thị không) lúc có (thị sắc).
- Như nhiên (vô vi) mà (nhi) sai khiến (dịch sử) tất cả sinh mệnh (quần linh). Chú thích: gồm đủ Bát phẩm chơn hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.
- Thường (thời) cỡi (thừa) sáu rồng (lục long) đi khắp (du hành) không ngừng nghĩ (bất tức). Chú Thích: Sáu con rồng, tượng trưng 6 hào dương của quẻ BÁT THUẦN CÀN.
- Khí phân thành (khí phân) bốn tượng (tứ tượng). Xoay trở qua (oát) xoay trở lại (triền) không giới hạn (vô biên). Chú Thích: Khí nói đây là Âm Dương nhị khí. Tứ tượng gồm Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm.
- Đấng Trời (Càn) mạnh mẽ (kiện) trên cao (cao) và sáng tỏ (minh).
- Muôn linh và vạn vật (vạn loại) thiện hay ác (thiện ác) đều phải đối mặt với Ngài (tất kiến) hoặc Ngài đều thấy biết rõ (tất kiến).
- Sâu kín vi diệu (huyền), phủ trùm (phạm) rộng lớn (quảng đại).
- Định phân họa phước (nhứt toán họa phước lập phân).
- Trên (thượng) coi (chưởng) 36 tầng trời (tam thập lục thiên), ba ngàn thế giới (tam thiên thế giới). Đức Cao Thượng Phẩm của Cao Đài nói: Phải đó vậy. Tam thiên Thế giới là ngôi vị, còn Thất thập nhị Địa là Trường thi Công quả, hiểu chưa?"
- Dưới (hạ) nắm (ốc) 72 trái đất (thất thập nhị địa) phân bổ trong bốn châu lớn (Tứ Đại Bộ Châu). Chú Thích: gồm Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Câu Lư Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu. Các Địa cầu nầy được đánh số từ cao dần xuống thấp, tức là từ thanh khiết xuống trọng trược, và Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là Địa cầu số 68.
- Trước khi tạo hóa (tiên thiên) sau khi tạo hóa (hậu thiên) cùng đồng đều (tịnh) nuôi dưỡng vạn loại (dục), là Đấng Cha Lành của tất cả (đại từ phụ).
- Thời nay tôn kính (kim ngưỡng) thời xưa cũng tôn kính (cổ ngưỡng). Cứu độ rộng khắp (phổ tế), đầu mối của tất cả pháp (tổng pháp tông)
- Ngài là (nãi) Vua (quân) của tất cả vật chất hữu hình (nhựt nguyệt tinh) và vô hình (thần)
- Là (vi) Chủ (chi chủ) của tất cả Thánh, Thần, Tiên, Phật
- thâm sâu (trạm), lặng lẽ (tịch) đích thực Đạo (chơn đạo)
- To lớn (khôi), che trùm (mịch), đáng kính (tôn), đáng dè (nghiêm).
- Biến hóa không chỗ chấm dứt (biến hóa vô cùng).
- Nhiều lần (lũ) ban khắp (truyền) kinh văn quí báu (bửu kinh) để mà (dĩ) làm thức tỉnh người đời (giác thế).
- Cái trang nghiêm (oai) thiêng liêng (linh) không thể đo lường (mạc trắc).
- Luôn (thường) bày dựng cho (thi) chư linh (thần) dạy dỗ (giáo) làm lợi chúng sanh (dĩ lợi sanh).
- Uy lực vô biên (hồng oai), tình thương vô hạn (hồng từ), tột cùng (vô cực), chí cao (vô thượng).
- Đấng Thánh lớn (đại thánh), nguyện lớn (đại nguyện), công hóa tạo lớn, trắc ẩn cứu độ lớn (đại bi).
- Ngọc Hoàng Thượng Đế cao tột cõi huyền thiên không (Huyền Khung Cao Thượng Đế)
- Ban phước xá tội (tích phước hựu tội) được tất cả Phật Tiên Thánh Thần đều tôn kính (Đại Thiên Tôn).