Đức Ngài Hoàng Nhị Thiên giảng về Tánh Không vào ngày 11 tháng 5 năm 2017 (ngày ? tháng 4 năm Đinh Dậu)
Để giải trừ hiểu biết sai lầm của một môn sinh.
(Đức Ngài nói rằng bài pháp này hình như có gốc rễ từ một bài pháp của một vị tôn đức nào đó mà Đức Ngài từng đọc qua hay nghe qua lúc trẻ nay không còn nhớ rõ.)
Thế giới của nhân sinh là thế giới nhị biên. Mọi thứ đều được nhìn qua lăng kính và diễn giải bởi hai mặt đối đải ghét thương, đẹp xấu, đúng sai, thiện ác, sinh diệt, có không, vân vân. Nhưng hai mặt đối đải không phải là thực tánh của Pháp Giới và Chư Pháp.
Thực tánh của Pháp Giới vốn không sanh không diệt, không tới không lui, không có không không. Thực tánh của Pháp Giới là CHƠN THỰC KHÔNG.
Chư Pháp vận hành trong Pháp Giới không tự có mà phải do nhân duyên tác hợp mới có. Chư Pháp hiện ra trong Pháp Giới như trăng dưới nước, như bóng trong gương. Nhân duyên tác hợp không còn, Chư Pháp lại biến mất, như sương đầu cành, như hoa đốm giữa hư không. Thực tánh của Chư Pháp là CHƠN THỰC KHÔNG.
Trí Nhị Biên chấp vào tướng CÓ tướng KHÔNG. Chấp tướng CÓ vì vọng tưởng. Diệt tướng CÓ chấp tướng KHÔNG lại rớt vào tà kiến. Trí Nhị Biên bị kẹt cứng trong vòng đối đãi CÓ/KHÔNG, qua lại giữa vọng tưởng với tà kiến vì không thấy rõ thực tánh của Chư Pháp vốn là CHƠN THỰC KHÔNG.
Người tà kiến không thấy rõ thực tánh của Chư Pháp và Pháp Giới, Trí Nhị Biên chấp KHÔNG bỏ CÓ nên xa lìa hiện thực, bi quan và buồn thảm vì tưởng lầm thế giới hóa hư vô, hoặc giả từ bỏ mọi phương tiện trong cuộc sống để theo đuổi vọng tưởng cứu cánh Niết Bàn. Khi xúc chạm việc đời thì tâm đầy động loạn. Xúc chạm với ái dục thì dính mắc ái dục. Xúc chạm với sân giận thì dính mắc sân giận. Xúc chạm với vinh nhục thì dính mắc vinh nhục. Người tà kiến chấp thủ tướng KHÔNG của các pháp, không thực sự chứng ngộ TÁNH KHÔNG, vẫn trong vòng đối đãi nhị biên, vẫn qua lại giữa vọng tưởng với tà kiến.
Người vọng tưởng không thấy rõ thực tánh của Chư Pháp và Pháp Giới, do chấp tướng CÓ, mê lầm theo đuổi sự đời với tất cả đam mê, như người đi trong sa mạc đang khát nước chạy theo huyển cảnh.
Cả hai loại người này đều bị cái khổ của thế gian trói buộc.
Trí Bát Nhã thấy rõ thực tánh của Chư Pháp và Pháp Giới là KHÔNG, tuyệt đối KHÔNG, vượt lên khỏi đối đãi CÓ/KHÔNG nhị biên. Trí Bát Nhã không chấp thủ tướng CÓ tướng KHÔNG, không bỏ CÓ tìm KHÔNG, không ngộ nhận KHÔNG thành CÓ.
Các sự vật hiện ra Như Thật là do vọng tưởng mà CÓ nhưng thực tánh là KHÔNG, tuyệt đối KHÔNG. Sự vật hiện hữu là do nhân duyên giả hợp mà CÓ. Khi nhân duyên giả hợp không còn, sự vật không còn tiếp tục hiện hữu, CÓ tức khắc biến thành KHÔNG. Sự vật không hiện hữu là do chưa đủ nhân duyên mà KHÔNG. Khi nhân duyên giả hợp thành, KHÔNG tức khắc biến thành CÓ. KHÔNG và CÓ hai tướng tuy khác nhau nhưng cả hai đều có chung một tánh: KHÔNG TÁNH.
Người thấy rõ TÁNH KHÔNG của Chư Pháp và Pháp Giới, dù cho mọi vọng tưởng có tạm thời dấy lên cũng vẫn tự tại vô ngại, vẫn không dính mắc vào danh tướng ngã nhân, tâm không bị lay động, nơi các chỗ kiết sử sanh sẽ không sanh lại được.
Người chứng ngộ TÁNH KHÔNG, không bị cái khổ của thế gian trói buộc. Với Trí Bát Nhã tất cả các pháp môn tu tập đều thành cứu cánh Ba La Mật.