GIÁO LÝ KHỔNG NHO

20 Tháng Giêng 201912:03 CH(Xem: 4571)

Tóm Lược Bài Giảng Luận ngày 20 tháng 1 năm 2019

của Đức Ngài Hoàng Di Thiên


Điểm Mấu Chốt:
"Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh".
 

Bài Giảng:

Có nhiều người cho rằng giáo lý của Đức Khổng Tử chỉ quan tâm đến chuyện xây dựng mẫu người quân tử mà thôi. Đây là một định kiến sai lầm.  Quí vị có biết mô hình của mẫu người mà Đức Khổng Ni muốn mọi người cố gắng đạt tới là gì không?  Nếu quí vị trả lời mô hình đó là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” thì e rằng chúng ta chưa hiểu đúng giáo pháp của Ngài. Mô hình của mẫu người mà Đức Khổng Phu Tử đề cao thực ra là mẫu người “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh”.  Người đời sau đã làm sai lệch giáo pháp của Ngài. 

 

Phải, xin nhắc lại, là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh”. 

 

Năm 1973, tại Mã Vương Đôi, Trường Sa, Tỉnh Hồ Nam, người ta khai quật được một ngôi mộ Hán cổ trên dưới hai ngàn năm tuổi.  Là mộ của Tân Truy phu nhân, cùng với chồng bà là hàm Tể Tướng Trường Sa và con trai của hai người.  Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những di chỉ viết trên lụa (Bạch Thư).  Năm 1993, tại thôn Quách Điếm, Kinh Môn, Hồ Bắc, người ta lại khai quật được một ngôi mộ Sở thời Chiến Quốc, sớm hơn 100 năm so với mộ Hán tại Mã Vương Đôi.  Trong đó có nhiều di chỉ ghi trên những thẻ tre (Trúc Giản).  Trong cả hai bộ, Bạch Thư và Trúc Giản, đều có thiên Ngũ Hành/ Ngũ Hạnh còn gọi là Ngũ Đức. Và, như các bạn có thể đoán, Ngũ Đức là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh”, không phải “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”.

 

Thế nào là Thánh? Thế nào là Thánh Nhân?  Theo tôi, có lẽ trích đoạn sau đây từ cuốn Đạo Học: Con Đường An Vui Hạnh Phúc của Vân Như Bùi Văn Nhự sẽ cho chúng ta có được một cái nhìn phổ quát:

 

Với Khổng Giáo, bậc tu dưỡng đạt đạo tột cùng mới được gọi là thánh nhân. Thánh nhân là bậc chí nhân, chí thiện, chí tĩnh, không tư tâm, tư dục, thông suốt Bản Thể uyên nguyên của Vũ Trụ, tương cảm tương ứng với Thiên Lý, biết được cái Nguyên Tính của muôn vật, hành sử luôn Trung Chính, hợp với đạo Thái Hòa của trời đất, đức sánh ngang với trời đất, góp phần vào sự hóa dục của thiên địa, vạn vật.”

        

 

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ nói: “Ước vọng của thánh hiền từ ngàn xưa là tu thân tích đức, khuếch sung thiện đoan, hàm dưỡng thiên tính nơi mình để đạt tới mức cao siêu, toàn mỹ như Trời. (Trích: Thánh Nhân Dữ Thiên Đồng Đức – Trung Dung Tân Khảo)

 

Kinh Thư viết “Hoằng vu Thiên”.  Đại Học viết “Chỉ ư chí thiện”.  Trung Dung viết “Tuấn cực vu Thiên”.  Tất cả đều không ngoài một ý “hiệp thiên” tức “phối hợp với Thượng Đế”.

 

Trung Dung nhiều lần đề cập tới sự hiệp thiên.  Thí dụ như “Khắc phối Thượng Đế” (Kinh Thư, Thái Giáp hạ, tr.3) hoặc “Kỳ tự thời phối Hoàng Thiên” (Kinh Thư, Thiệu cáo, tr.14) hoặc “Cố Ân lễ trắc phối Thiên” (Kinh Thư, Quân thích, tr. 8).  

 

Đại Học cũng nhắc đến sự phối hợp với Thượng Đế. Thí dụ như “Cố viết phối Thiên” (ch.31) hay “Thánh nhân chi đạotuấn cực vu Thiên” (ch.27).  Với Đại Học thì “Ân chi vị táng sư, khắc phối Thượng Đế” là đề tài chính yếu (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ). 

 

Liêm Khê viết: “Hiểu đến nguồn gốc của tính mệnh, ắt sẽ lấy sự hợp nhất với Trời làm căn bản cho sự học vấn.” (Tống Nguyên học án, quyển 2, tr.10).  Thượng Thái viết “Người học đạo phải nên cùng lý. Muôn vật đều có lý. Cùng lý hẳn biết được sở vi của Trời. Biết được sở vi của Trời hẳn cùng Trời làm một.” (Bửu Cầm, Tống Nho, tr.99.). Hoành Cừ lại viết: “Nho gia từ minh giác tiến tới toàn thiện, lại từ toàn thiện tiến tới minh giác hoàn toàn. Cho nên Trời người hợp nhất, học đến cùng tột để nên thánh nhân.” (Tống Nguyên học án, q.17, tr.55).

 

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa lỗi lạc hiện nay, đã viết: Trung Hoa từ thời Đường, Ngu [Nghiêu, Thuấn] đến nay đều có chủ trương Trời người kết hợp. Kính Trời cốt để yêu người, yêu người cốt để kính Trời.” (Tạp chí Trung Quốc nhất chu, kỳ 623, tr.21)

 

Và Tôn Chung Nguyên kết luận: “Thiên dữ thần phi nhị kiến. Thánh nhân tức Thiên” (Tống Nguyên học án, quyển 17, tr.13).

 

Thánh là như thế. Thánh Nhân là như thế.

 

Thực ra tư tưởng “Thánh Nhân là hiện thân của Thượng Đế’ không phải là sản phẩm riêng của Khổng Tử hay của riêng Nho tông.

 

Nhìn sang Trung Đông chúng ta sẽ bắt gặp một vị thánh Hồi giáo, Abu Yazid, đã từng viết: Một hôm Thượng Đế đem tôi lên đặt trước mặt Ngài và phán: ‘Hỡi Abu Yazid, tạo vật Ta muốn thấy con.’ Tôi liền thưa: ‘Xin Chúa trang điểm con bằng sự duy nhất Chúa, xin hãy mặc cho con cá tính Chúa, để hễ thấy con, tạo vật sẽ nói: Ta đã thấy Chúa. Và đó là Chúa chẳng còn có con nữa.’” (Marijan Molé, Les mystiques musulmans, p.56).

 

Và một vị thánh Hồi giáo khác, Al Hallag, cũng viết: Ta là đấng ta yêu. Đấng ta yêu là ta. Chúng ta là hai thần trong một xác. Nếu bạn thấy Ta, bạn sẽ thấy Ngài. Nếu bạn thấy Ngài, bạn sẽ thấy Ta.” (Le divin d’Al-Hallag, éd. Massignon, M 57)

 

Rồi nhìn sang phương Tây, Thánh Jean, trong cuốn Phúc Âm, cũng nói: “Ai đã thấy Ta tức là thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: ‘Xin chỉ Cha cho chúng tôi?’ Ngươi há không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta hay sao?” (Jean, 14, 9, 10. Kinh Thánh, nhà in hội thánh Tin Lành Đông Pháp, Hà Nội, tr.128)

 

 

Thánh nhân không những là hiện thân của Thượng Đế, thánh nhân còn là bậc đại trí và hoàn hảo. Điều này là hẳn nhiên!

 

Duy thiên hạ chí thành, vi năng kinh luân thiên hạ chi đại kinh, lập thiên hạ chi đại bản, tri thiên địa chi hóa dục, phù yên hữu sở ỷ? Chuân chuân kỳ nhân; uyên uyên kỳ uyên; hạo hạo kỳ thiên. Cẩu bất cố thông minh thánh trí, đạt thiên đức giả, kỳ thục năng tri chi?” (Trung Dung Tân Khảo, quyển 2, tr.31)

 

Đại trí và hoàn hảo của Thánh Nhân trong bài dịch của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ là như thế này:

 

“Chỉ những ĐẤNG CHÍ THÁNH trong thiên hạ,

Mới có thể vì đời SANG SỬA ĐẠI KINH.

Mới có thể XÂY CĂN BẢN CHO XÃ HỘI QUẦN SINH,

Mới THẤU RÕ LUẬT ĐẤT TRỜI SINH HÓA.

Những bậc ấy hết cần nương tựa,

ĐỨC NHÂN Ngài tuyệt thế.

TRÍ TUỆ Ngài thâm uyên.

TÂM HỒN Ngài mang nhiên.

Nên trừ phi bậc thông minh THÁNH TRÍ,

Trừ những ai đạt mức TRỜI tuyệt mỹ,

Ai là người hiểu nổi được khúc nôi.”

 

Thánh là như thế.  Thánh nhân là như thế.

 

Trình bày bấy nhiêu đó có lẽ cũng đã đủ để chúng ta nhận ra một điều là mô hình Đạo Đức mà Đức Khổng Phu Tử muốn con người cố gắng vươn tới khác xa với những gì mà học giả Nho gia đời sau đã canh cải và như đa số đã hiểu.

 

Còn ở đây, ngày hôm nay, Lão Hà, hành giả Thiên Đạo Huyền Không, xin phép Khổng Thánh Tôn Sư để giảng giải giáo lý của Nho Tông một cách khác.

 

Mô hình “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh” còn được gọi là Ngũ Hành hay Ngũ Đức. Trong tiếng Hán, chữ hành và chữ hạnh viết giống nhau. Ở góc độ tâm pháp hành trì thì mô hình Ngũ Hành này còn có nghĩa là “ngoài thì giới trì Tứ Đức, trong thì giữ đạo Tam Tòng.”

 

Thế nào là Trì Giới?

 

Thánh nhân, Thiên Địa hành động không vì mình không vì ai thì đó là trì giới.

 

Thế nào là Tứ Đức?

 

Lấy thiên hạ làm lòng mình, coi hết thảy như trẻ thơ. Đó là Đức Nhân.

 

Giữ cái vô danh mộc mạc, để trí vô dục, để tâm yên tỉnh, thiên hạ được bình an. Đó là Đức Nghĩa.

 

Lấy thấp làm nền, lấy hèn làm làm gốc, giúp thiên hạ từ bỏ cái quá độ, quay về với tự nhiên. Đó là Đức Lễ.

 

Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy, có đầy đủ mà dường như trống rỗng dùng hoài không hết, rất ngay thẳng mà như cong, rất hay mà như dở, rất hùng biện mà như ấp úng. Thấy rõ Đạo Trời, quay về gốc tịnh, phục mệnh thường hằng.  Đó là Đức Trí.

 

Thế nào là Tam Tòng?

 

Tam Tòng là Tòng Thiên, Tòng Địa và Tòng Nhân.

 

Trời vốn dị. Đất vốn giản. Giản dị thì dễ hiểu dễ theo.  Nhiều người theo thì thành tựu công nghiệp lớn. Nắm được đạo lý giản dị là nắm được đạo lý trong thiên hạ.  Nắm được đạo lý trong thiên hạ thì có thể đứng chung với Trời Đất. Đứng chung với Trời Đất là giữ đạo Tam Tòng.

 

Thánh nhân ở chỗ điên đảo quay cuồng mà vẫn ung dung tự tại là nhờ trong không xa đạo Tam Tòng, ngoài không lìa giới trì Tứ Đức.

 

Nghe lạ tai phải không?  Dĩ nhiên là lạ rồi vì Lão Hà đã dụng giáo lý của Lão Tử để mà giảng giải giáo lý của Khổng Tử đó mà.   

 

Nếu quý vị để ý thì sẽ nhận ra là Lão Hà đã nhiều lần xài chữ “trong” và “ngoài”. Vậy thì hai chữ trong ngoài đó thực ra là ý gì?  Ý của nó nằm gọn trong hai chữ Trung Dung.

 

Chu Hi mượn lời của Trình Tử viết tựa cho sách Trung Dung (Trung Dung Chu Hi Chương Cú) như thế này:

 

“Trình Tử viết: bất thiên chi vị trung; bất dịch chi vị dung; Trung giả thiên hạ chi chính đạo, dung giả thiên hạ chi định lý. Thử thiên nãi Khổng môn truyền thụ tâm pháp, Tử Tư khủng kỳ cửu nhi sai dã, cố bút chi ư thư, dĩ thụ Mạnh Tử: kỳ thư thủy ngôn nhất lý, trung tán vi vạn sự, mạt phục hợp vi nhất lý, phóng chi tắc di lục hợp, quyển chi tắc thoái tàng ư mật, kỳ vị vô cùng, giai thực học dã. Thiện độc giả, ngoạn sách nhi hữu đắc yên, tắc chung thân dụng chi, hữu bất năng tận giả hĩ.”

 

Học giả Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (Trung Dung Tân Khảo. Quyển 2: Trung Dung Bình Dịch) đã dịch như thế này:

 

“Trình Tử nói: 

Trung ấy là không nghiêng không ngửa,

Dung ấy là muôn thủa y nguyên.

Trung là đạo chính mọi miền,

Dung kia là lý hiển nhiên mọi đời.

Tâm pháp này truyền nơi cửa Khổng,

Ông Tử Tư sợ chóng sai ngoa.

Bút thần tay thảo thiên hoa,

Muôn vàn truyền lại Mạnh Kha sách này.

Sách mới thoạt trình bày một lẽ,

Sau dần dần mới tỏa thành muôn

Cuối cùng thu lại một nguồn.

Tung ra, tản mạn khắp muôn phương trời,

Thu cuốn lại, dấu nơi ẩn áo,

Hay sao hay kỳ ảo khôn cùng.

Đó là thực học chính tông,

Ai say tìm hiểu sẽ thông ý mầu.

Thông ý mầu rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời cũng chẳng hề vơi.”

 

Như vậy, theo Trình Tử thì “Trung là không nghiêng ngửa.  Dung là giữ y nguyên. Trung là đạo chính. Dung là lý hiển nhiên.”

 

Còn Lão Hà thì nói với quý vị như thế này:

 

"Trung là chính tâm

Dung là hằng dưỡng

Trung là Thái Cực chi phụ

Dung là Vô Cực chi mẫu.

Có Trung nên bất biến mà tùy duyên

Có Dung nên tùy duyên mà bất biến.

Có Trung mà không Dung vạn thù chẳng hóa hiện

Có Dung mà không Trung nhất bổn chẳng hồi qui.

Trung Dung: chư pháp thong dong, pháp giới chẳng ngăn ngại,

Chính tâm, vô vọng, kinh luân quyền thủ vẫn tiêu dao.

Lìa Trung nhân loại tròn điên đảo

Hướng Tâm thế giới hiện ảnh bào

Trung Dung mở lối về Thiên Đạo

Khổng Chu chẳng giấu một tơ hào."

  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn